Hiện giới khoa học vẫn tiếp tục tranh luận về sự khác biệt chiều cao của các dân tộc. Có quan điểm cho rằng, yếu tố di truyền quyết định chiều cao của con người nhưng cũng có quan điểm cho rằng do tác động các yếu tố ngoại cảnh.
Theo đó, nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy chỉ 20 % yếu tố di truyền quyết định đến việc phát triển chiều cao của trẻ còn 80% là do chế độ dinh dưỡng, và môi trường.
Tuy nhiên, theo PGS Tuyên thì hầu hết các nhà sinh học đều thống nhất là sự tăng trưởng của cơ thể chịu ảnh hưởng của cả yếu tố di truyền và ngoại cảnh, đặc biệt là dinh dưỡng.
|
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong 1000 ngày vàng đầu đời quyết định chiều cao về sau của trẻ . |
Theo Mueller (1982), chiều cao cơ thể người cơ bản là do di truyền quy định, nhưng nếu các điều kiện về dinh dưỡng và môi trường không thỏa mãn thì mức phát triển không tương xứng với tiềm năng di truyền đã đặt ra. Trong các yếu tố ngoại cảnh quan trọng nhất là dinh dưỡng và bệnh tật (trong đó nhấn mạnh đến vai trò tiêm chủng vắc xin).
Các yếu tố bên trong tức di truyền là những yếu tố không can thiệp được, ít nhất là cho đến hiện tại. Các yếu tố ngoại cảnh - đặc biệt là dinh dưỡng là điều có thể cải thiện; trong đó nhấn mạnh vai trò dinh dưỡng 1.000 ngày vàng đầu đời- tức là từ khi thụ thai cho đến 2 tuổi. 1000 ngày vàng của bé được chia như sau: 270 ngày mẹ mang thai + 365 ngày nuôi con năm đầu tiên + 365 ngày nuôi con năm thứ 2.
“Đây là giai đoạn chúng ta can thiệp tích cực để sau này người trưởng thành đạt chiều cao theo tiềm năng di truyền. Bỏ lỡ chăm sóc tốt trong 1000 ngày vàng đầu đời thì không gì có thể bù đắp được”, PGS Tuyên nói.
Mặc dù ngay từ khi tiền thai, phụ nữ cần chăm sóc tốt và trẻ sau 1000 ngày đầu tiên đó vẫn cần chăm sóc đến khi dậy thì nhưng giai đoạn 1000 ngày vàng được y học hiện đại và các nghiên cứu khoa học nghiêm túc nhất thừa nhận là giai đoạn quyết định.
Theo đó, các bác sĩ dinh dưỡng cho biết trong ba năm đầu đời, chiều cao của trẻ nhỏ có thể tăng gấp đôi, cân nặng tăng gấp năm so với lúc mới sinh, não bộ phát triển 85% thể tích và tăng 1g trọng lượng mỗi ngày.
Đồng thời, bé sẽ phát triển về nhận thức, cấu tạo nên cơ bắp, hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa, chuyển hóa các cơ quan. Việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho bé trong thời gian này sẽ giúp bé: Tăng khả năng vượt qua bệnh tật nguy hiểm đến tính mạng gấp 10 lần. Cải thiện điểm số trung bình lên 4,6 lần.
Dinh dưỡng phù hợp trong giai đoạn từ lúc mang thai, cho con bú, bé ăn giặm và đến khi bé tròn hai tuổi đóng vai trò then chốt cho sự tăng trưởng và phát triển của bé, không chỉ tác động đến sức khỏe hiện tại mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe lâu dài.
Những gì bé ăn và trải nghiệm trong thời gian này tác động đến nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, còi xương, tiểu đường, dị ứng, tim mạch sau này.
Do đó, giai đoạn mang thai, các mẹ bầu nhớ ăn nhiều rau màu xanh đậm, cam, các loại đậu, bổ sung 400ug a-xít folic trước khi mang thai và trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ để phòng khuyết tật ống thần kinh cho bé.
Giai đoạn sơ sinh, cần cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và giúp tăng cường hệ miễn dịch để trẻ chống lại bệnh tật.
Giai đoạn ăn giặm, các bậc phụ huynh bắt đầu cho bé ăn các thực phẩm như bột, cháo, rau củ, trái cây, thịt, cá, trứng theo nguyên tắc từ tinh đến thô, từ loãng đến đặc. Lúc này, cần bổ sung sữa công thức để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho sự phát triển hệ miễn dịch, tiêu hóa của trẻ. Giai đoạn tập đi, bé cần nhiều dưỡng chất như sắt, canxi và axit béo hơn cho sự phát triển thể chất và trí não trong giai đoạn này.
PGS Tuyên cũng nhấn mạnh, luyện tập thể dục thể thao là cần thiết nhưng không phải chìa khóa để nâng chiều cao. Nó là yếu tố vô cùng quan trọng làm cho trẻ khỏe, dẻo dai và tạo thành thói quen để tiêu hao mỡ dư thừa. Bên cạnh đó, hoạt động thể lực được xem như một phương pháp điều trị bệnh, làm con người cảm thấy chủ động trong việc điều trị và khuyến khích mọi người có trách nhiệm đối với chính sức khỏe của mình.
Theo Infonet