Khi thấy Lele có biểu hiện lạ, người thân liền vội vã đưa bé tới bệnh viện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé bị chảy máu dạ dày, nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
Ngay khi biết kết quả, người thân của bé tỏ ra sửng sốt bởi các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, không thể có yếu tố di truyền. Huống hồ căn bệnh thường gặp ở người trưởng thành nhưng bé mới 2 tuổi làm sao có thể mắc bệnh?
Bác sĩ lý giải, ở độ tuổi của Lele nguyên nhân nhiễm khuẩn Helicobacter pylori thường do truyền nhiễm từ người lớn, qua đường miệng. Từ thói quen nhai mớm, dùng miệng kiểm tra độ nóng, hôn trẻ, thậm chí là dùng chung đũa gắp thức ăn cho bé.
|
Vì thói quen nhai mớm khi bà cho ăn, bé Lele bị nhiễm khuẩn Helicobacter pylori dẫn tới chảy máu dạ dày. (Ảnh Sohu)
|
Ngay lập tức, bác sĩ đề nghị người thân của Lele kiểm tra. Kết quả cho thấy bà ngoại của bé đang có vấn đề về sức khỏe, cơ thể mang mầm bệnh. Trong khi các thành viên chưa hiểu hết sự việc, bác sĩ kết luận Lele mắc bệnh từ bà ngoại.
Cha mẹ của Lele cho biết thời gian gần bé được đưa về bà ngoại chăm sóc. Khi cho cháu ăn, bà sợ Lele không nhai được thịt nên đã nhai và mớm cho bé. Ngoài ra, khi pha sữa bà cũng dùng miệng để thử độ nóng và điều chỉnh lượng sữa bột.
Theo bác sĩ, Lele còn nhỏ, sức đề kháng yếu và niêm mạc dạ dày mỏng. Sau một thời gian dài ăn thức ăn nhai mớm nên nguy cơ nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori cao, dẫn tới tình trạng loét dạ dày gây chảy máu.
Trên thực tế, không thể phủ nhận hệ lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con. Tuy nhiên, có những thói quen không còn phù hợp, thậm chí có thể gây hại cho bé như trường hợp của Lele cần được loại bỏ.
1. Bóp đầu ti
Bóp đầu ti của trẻ sơ sinh, đặc biệt là các bé gái để sau này khi làm mẹ sẽ nuôi con dễ dàng. Trên thực tế, quan niệm trên hoàn toàn không có cơ sở khoa học và gây bất lợi cho trẻ. Việc cố tình chạm vào và bóp không chỉ gây nhiễm trùng da mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bé sau này.
2. Quấn khăn cho trẻ sơ sinh
Quấn khăn cho bé sơ sinh không bị giật mình trong khi ngủ là thói quen phổ biến. Tuy nhiên, việc quấn tay chân khiến trẻ khó vặn mình khiến cơ thể gò bó không thoải mái. Ngoài ra, quấn quá chặt sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển xương và chức năng vận động của bé.
3. Vuốt mũi
Muốn con có sống mũi cao và đẹp hơn khi trưởng thành, không ít người thường bóp hoặc vuốt mũi cho trẻ. Thói quen này hoàn toàn không có tác dụng như mọi người nghĩ. Khoang mũi của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ngắn hơn so với người lớn. Không có lông mũi, mạch máu rất phong phú và thường bị chèn ép nếu có tác động mạnh. Việc bóp hay vuốt mũi có thể làm hỏng màng nhầy và mạch máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Ngoài ra, véo mũi khiến dịch tiết trong khoang mũi qua ống eustachian đi vào tai giữa, gây viêm nhiễm.
Theo Khám Phá