Trao đổi cùng Kiến Thức, bác sĩ Lương Trường Sơn, Phụ trách phòng khám Da liễu Đồng Diều cho hay, kẽm là một vi chất dinh dưỡng đóng vai trò không thể thiếu trong hoạt động bình thường của cơ thể con người. Kẽm đã được chứng minh là có vai trò điều hòa miễn dịch, chống oxy hóa và chống viêm.
Trong cơ thể người, kẽm được duy trì ổn định ở trọng lượng 2-3g. Da là mô có nhiều kẽm thứ ba trong cơ thể với các tỉ lệ sau: cơ xương 60%, xương 30%, gan 5% và da 5%.
Một số bệnh do thiếu kẽm:
Nếu thiếu kẽm, da có thể xuất hiện một số bệnh hoặc bệnh nặng thêm như viêm da hoại tử (đặc biệt ở người già, bệnh nằm lâu), Pellagra, rụng tóc thưa, rụng tóc mảng, viêm da đầu chi ruột, vết thương và loét da lâu lành, viêm da dị ứng, lichen planus, và bệnh Behcet, bệnh bọng nước di truyền, và tăng sắc tố (nám da)…
Tác dụng của kẽm đối với da:
Chống viêm, làm vết thương nhanh lành, hỗ trợ quá trình tái tạo collagen, sửa chữa đột biến ADN. Trong quá trình điều trị mụn trứng cá, khi bổ sung kẽm, bạn sẽ thấy các vết mụn ít để lại sẹo thâm hơn…
Điều hòa miễn dịch có lợi cho da yếu, da bệnh. Nếu được nạp vào cơ thể qua đường ăn uống, kẽm sẽ kết hợp với các loại vitamin và khoáng chất khác để làm giảm mụn. Ngoài ra, kẽm oxide rất lành tính, có khả năng làm dịu da hơn;
Ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm của da. Bản thân kẽm cũng là một thành phần quen thuộc trong các sản phẩm mỹ phẩm thoa ngoài da. Các loại kem chống nắng vật lý thường chứa kẽm oxide với tác dụng tạo lớp màng chống tia UV và làm sáng da hơn…
Nhu cầu kẽm hàng ngày:
Trung bình, mỗi người nên hấp thụ khoảng 8-9mg kẽm mỗi ngày, với phụ nữ mang thai thì nên hấp thụ 11mg mỗi ngày. Đây là một liều lượng tương đối thấp, bạn hoàn toàn có thể hấp thụ qua các loại thực phẩm thông thường chứ không nhất thiết phải dùng kẽm bổ sung.
Trẻ dưới 5 tháng: 2,8mg/ngày,
Trẻ 6-11 tháng-2 tuổi: 4,1mg/ngày
Trẻ 3-5 tuổi: 4,8mg/ngày,
Trẻ 6-9 tuổi: 5,6mg/ngày,
10-19 tuổi: khoảng 7,2 đối với nữ, và 8,6mg/ngày đối với nam.
Mời quý độc giả theo dõi video: 3 bước chăm sóc da đẹp buổi sáng
Thu Hiền