Trước tình trạng ô nhiễm không khí và khói bụi kéo dài, đặc biệt là bụi mịn xuất hiện không chỉ tại Hà Nội mà còn nhiều thành phố lớn khác trên cả nước, nhiều ý kiến lo ngại ô nhiễm kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, thậm chí là gây ung thư.
|
Bệnh nhân điều trị tại BV Phổi TW. |
Lý giải về khả năng bụi mịn trong không khí có khả năng gây ung thư, BS. Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng Khoa bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi trung ương (BV Phổi TW) cho biết, bụi cũng có nhiều thành phần, trong đó có vô cơ, hữu cơ và thậm chí là bụi vi sinh vật. Bụi có kích thước dưới 50 micromet là bụi hô hấp và có thể xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, hệ thống cơ thể có thể ngăn chặn và loại trừ những “dị vật” xâm nhập. Với những hạt bụi kích thước nhỏ như PM2,5 và bụi mịn (dưới 1 micromet) có thể vượt qua hàng rào bảo vệ và xâm nhập thẳng vào cơ thể, đi vào máu và các cơ quan.
“Tùy tình huống và tính chất của bụi có thể gây ra nhiều bệnh lý khác nhau. Bụi càng độc hại càng dễ gây bệnh. Bụi kích thước càng nhỏ càng hay bụi vi sinh vật càng dễ gây bệnh. Vậy, bụi có thể gây ung thư hay không? Các chất gây ung thư thường là các chất hữu cơ. Nếu bụi xuất phát từ các chất hữu cơ mà có thể xâm nhập vào cơ thể, với một nồng độ nhất định và có thời gian tương tác với cơ thể, có thể gây đột biến tế bào thì có khả năng gây ung thư”, BS. Hồng nói.
Theo BS. Hồng, tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài tại các đô thị lớn do khói bụi, xây dựng, xe cộ đông đúc, thời tiết… có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và đặc biệt người có hệ miễn dịch kém hoặc chưa phát triển hoàn toàn như người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính, thì nên lưu ý tình trạng ô nhiễm này.
“Khi dải quan trắc môi trường vượt ngưỡng báo động, thì những nhóm người này không nên ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết và luôn phải có biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp. Những bệnh cần cảnh giác cao với tình trạng ô nhiễm không khí là các bệnh mãn tính như phổi tắc nghẽn mãn tính, hen ở trẻ em, tim mạch và tiểu đường, vì bệnh đều có thể tăng nặng, với thời gian điều trị kéo dài và chi phí y tế tăng cao, đặc biệt là bệnh phổi mãn tính. Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng sẽ là một trong những yếu tố làm tăng nặng bệnh. Cơ thể con người có thể có nhiều biến động để đề kháng lại bụi xâm nhập, dẫn đến bệnh tăng năng. Đây là yếu tố bất lợi cho người bệnh”, BS. Hồng khuyến cáo
Theo bác sĩ, ô nhiễm không khí và bụi mịn có thể gây viêm nhiễm cấp tính đường thở và gây kích ứng các bệnh mãn tính xuất hiện sớm hơn so với dự định. Về lâu dài, nếu phải tiếp xúc liên tục với ô nhiễm và khói bụi, khiến cơ thể luôn luôn phải chiến đấu, thì đến một lúc nào đấy hệ thống miễn dịch sẽ bị suy yếu và yếu tố bệnh sẽ tăng nặng hơn.
Tại BV Phổi TW, số lượng người bệnh nhập viện những ngày gần đây không tăng rõ rệt, nhưng các bệnh nhân mãn tính có xu hướng nặng hơn, khả năng phục hồi kém hơn./.
Theo Thiên Bình/VOV News