Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Như ngày trước, nhắc tới đột quỵ, chúng ta thường chỉ thấy những ông bà cao tuổi, nhưng hiện giờ, tầm tuổi từ 30 trở ra đã rất nhiều người đột quỵ. Trong đó, có những người cứu được, nhưng cũng có người ra đi mãi mãi.
Mới đây, trên báo có chia sẻ câu chuyện của một người phụ nữ mới 43 tuổi đã bị đột quỵ, nguyên nhân khiến nhiều người phải bất ngờ.
Bệnh nhân là bà Phùng, ở Trung Quốc. Theo lời kể của bà Phùng, hôm đó, nhà họ tổ chức tiệc tân gia nên mời khá đông người thân, bạn bè, đồng nghiệp đến nhà ăn cơm. Bà phải chuẩn bị cỗ bàn cả ngày nên khá mệt.
Đến gần đêm tiệc mới tàn, mọi người ăn uống no nê ra về. Bà bảo chồng mình dọn dẹp giúp nhưng dù gọi mấy lần, ông chồng vẫn ngồi rung đùi xem tivi. Bà Phùng giận quá nên cãi nhau với chồng một hồi thì bỏ vào phòng để đi tắm.
Một lúc sau, người chồng nghe thấy tiếng động lớn từ nhà tắm thì chạy vào xem. Gọi mãi vợ không trả lời, ông mở cửa vào thì thấy bà Phùng nằm bất tỉnh trên sàn bèn vội vàng gọi cấp cứu.
Bác sĩ chẩn đoán bà bị đột quỵ nhưng rất may là được cấp cứu kịp thời nên vẫn đảm bảo an toàn tính mạng. Tuy vậy, vẫn có thể để lại một số di chứng, gia đình cần theo dõi thêm.
2 nguyên nhân chính gây ra đột quỵ mà bà Phùng làm sau bữa ăn
Tức giận sau khi ăn
Sau khi ăn no, huyết áp ở trong trạng thái trung bình hoặc hơi cao khiến tâm trạng có phần dễ kích động. Tức giận là một trong số những nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao đột ngột, đặc biệt ở người trung niên và lớn tuổi. Tác động từ cả hai nhân tố này có thể dẫn tới tình trạng đột quỵ, suy tim, kèm theo nhồi máu cơ tim do bệnh mạch vành, thậm chí là tử vong đột ngột…
Tắm sau bữa ăn và vào buổi đêm
Tắm là thời điểm nhiệt độ cơ thể hạ thấp, các mao mạch giãn nở. Sau khi ăn no mà đi tắm ngay thường cản trở quá trình lưu thông máu. Đối với những ai có vấn đề tim mạch, thói quen này có thể làm cao huyết áp, dẫn tới các biến chứng.
Bên cạnh đó, thời điểm bà Phùng tắm cũng khá muộn. Các bác sĩ khuyến cáo không nên tắm sau 22 giờ tối sẽ dễ gây bệnh. Đối với những người có vấn đề huyết áp, có thể máu sẽ không lên được não, dễ gây ngất xỉu, đột quỵ và thậm chí là tử vong.
Chính những nguyên nhân này cộng lại khiến bà Phùng suýt đánh mất cả tính mạng. Rất may có người nhà phát hiện kịp thời và gọi cấp cứu ngay, bà được đưa tới viện trong “thời điểm vàng” để chữa trị nên có thể an toàn vượt qua cơn đột quỵ bất thình lình.
Bác sĩ tại bệnh viện cũng khuyến cáo chồng của bà Phùng nên ghi nhớ một số “tín hiệu” của cơ thể để lưu ý và chăm sóc cho vợ mình.
3 dấu hiệu thường thấy nhất của đột quỵ
Tê bì chân tay đột ngột
Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể trong một thời gian nhất định là dấu hiệu báo trước nguy cơ đột quỵ. Nếu thấy không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc thì bạn cần đi khám bác sĩ ngay.
Sau khi động mạch bị tắc, lượng máu, oxy, dinh dưỡng vận chuyển từ mạch máu đi các bộ phận bị ảnh hưởng, xuất hiện tình trạng tê bì chân tay. Nếu làm ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu lên não thì sẽ khiến mạch máu não bị tổn thương nghiêm trọng.
Chóng mặt, nhức đầu
Chóng mặt và nhức đầu nói chung là một trong những triệu chứng phổ biến nhất. Nếu mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động, kết hợp với những cơn đau đầu dữ dội và buồn nôn thì đừng nên chủ quan mà bỏ qua cơ hội phát hiện bệnh sớm.
Giảm thị lực
Mất thị lực không mong muốn cũng có thể là dấu hiệu báo trước quan trọng của đột quỵ. Người bệnh không cảm thấy đau đớn nhưng đột nhiên mất thị giác, hoặc gặp phải tình trạng nhìn bị nhòe, nhìn đôi...
Điều này xảy ra khi dòng máu bị chặn ở võng mạc, một lớp mô mỏng trong mắt giúp bạn nhìn thấy rõ, và đột quỵ mắt có thể gây ra tầm nhìn mờ và thậm chí là mù.
Theo Thạch Thảo/ Khoevadep