Trên cơ thể Võ Hoàng Lê hằn những vết thương của một người lính chiến. Ông đã bị thương tới 6 lần trong 43 năm binh nghiệp, trong đó có hai lần thời chống Pháp và bốn lần thời chống Mỹ.
Đối với ông, năm 1967 không phải là một năm may mắn. Trong một trận không kích, ông bị bom napalm làm chảy phỏng khuỷu tay phải. Sau đó, trong một trận tấn công mặt đất, ông bị mảnh đạn phóng lựu M-79 văng trúng phần trên cánh tay trái.
Rồi trong một trận pháo kích, ông bị găm vài mảnh vào lưng do quả đạn nổ quá gần. Nhưng vết thương khủng khiếp nhất đối với ông Võ Hoàng Lê vào năm sau đó. Một quả đạn từ khẩu súng máy M-60 đã xuyên trúng tay ông, cắt đứt một phần bàn tay và ngón út.
Khi tới nơi chữa trị, người y tá ngần ngại trong việc cắt phần dưới bàn tay đang đu đưa của ông. Thế là ông lôi con dao từ trong túi ra, phẫu thuật không gây mê, gây tê, cắt đứt phần tay vốn đã trở thành vô dụng.
|
Một ca phẫu thuật trong chiến tranh chống Mỹ. |
Giành giật sự sống từ lòng đất
Nhân vật Võ Hoàng Lê nói trên không phải là một người lính bộ binh nơi tiền tuyến, ông là một bác sỹ chuyên ngành phẫu thuật. Ông đã trả lời phỏng vấn cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, James G.Zumwalt, trong cuốn sách “Chân trần chí thép”. Tác giả gọi ông là “bác sỹ đau đớn”.
Suốt 15 năm hoạt động ở miền Nam, bác sỹ Võ Hoàng Lê chủ yếu làm việc ở Củ Chi. Chiến dịch rải thảm chất độc dioxin được người Mỹ ráo riết thực hiện nơi đây đã buộc bệnh viện của ông phải chuyển vào lòng đất. Ông kể:
“Chúng tôi khoét các phòng cách mặt đất khoảng 3-4m rồi lắp xà đỡ và tấm trần, sau đó dùng đất lấp lại và ngụy trang bằng cây bụi. Các phần của bệnh viện được nối với nhau bằng đường hầm…. Phòng mổ đủ rộng để chứa một bác sỹ, một trợ lý, thiết bị phẫu thuật, bác sỹ gây mê và y tá.
Đôi khi, đối với những cuộc đại phẫu như mổ dạ dày, chúng tôi cần hai trợ lý nên có cả thảy sáu người trong phòng. Máy phát cung cấp điện chiếu sáng để mổ nhưng trong trường hợp tiếng máy nổ có thể làm lộ bí mật, chúng tôi dùng đèn pin gắn trên mũ để phẫu thuật.
Chúng tôi thường không có thuốc gây mê. Khi đó, chúng tôi dùng thuốc Novocain (thuốc gây tê tại chỗ dùng trong nha khoa) đối với tiểu phẫu; với các ca phẫu thuật lớn, chúng tôi tiêm Novocain vào xương sống hoặc tĩnh mạch của tủy sống. Bệnh nhân vẫn thức nhưng không có cảm giác gì hết.
Tuy nhiên, ngay cả Novocain cũng thiếu và chúng tôi buộc phải pha loãng. Khi điều này xảy ra, tôi thông báo trước với bệnh nhân rằng hiện chỉ có đủ Novocain để gây tê đối với các cơ quan nội tạng, không đủ để gây tê trên da nơi chúng tôi thực hiện vết rạch đầu tiên. Mổ dạ dày được tiến hành như thế.
Trong nhiều ca, chúng tôi thiếu cả thuốc gây mê lẫn Novocain, nhưng do tình trạng khẩn cấp của bệnh nhân mà không thể trì hoãn việc phẫu thuật. Một người lính có thể đang bị thương nặng và vết thương đang hoại tử trầm trọng, dần thối rữa và cần phải cưa một chi ngay lập tức mà không có bất kỳ loại thuốc gây tê nào.
Sau khi thông báo, chúng tôi giải thích thêm rằng nếu không phẫu thuật ngay thì nhiễm trùng sẽ lan rộng và có thể chết. Đó là việc làm cực kỳ khó cho cả bác sỹ lẫn bệnh nhân, nhưng không có lựa chọn nào khác, chúng tôi buộc phải thực hiện thôi.
Nếu phải cưa một tay, chúng tôi buộc con quay cầm máu ngay trên chỗ sẽ cưa rồi dùng dao cắt thịt ở tay. Sau khi cắt đến tới xương, chúng tôi dùng cưa. Chúng tôi cố gắng hoàn tất việc cắt tay trong vòng 15 phút. Trong suốt ca phẫu thuật, bệnh nhân kêu gào liên tục và do quá đau đớn, nhiều lúc ngất đi. Đôi lúc bệnh nhân từ chối phẫu thuật không gây mê nhưng sau khi hiểu ra vấn đề, anh ta biết rằng không có lựa chọn nào khác. Đó là một cuộc vật lộn giữa sự sống và cái chết”.
Phẫu thuật kiểu… Quan Vân Trường
Có lẽ, sự tồi tệ khủng khiếp của điều kiện y tế mà người chiến binh phải chịu đựng trong một vài cảnh ngộ được bác sỹ Lê minh họa rõ nhất khi ông kể về phẫu thuật não:
“Đôi khi chúng tôi phẫu thuật sọ não mà không có thuốc gây mê hoặc Novocain. Loại phẫu thuật này rất quan trọng trong việc cứu sống một bệnh nhân; chẳng hạn khi phải lấy đầu đạn ra khỏi hộp sọ người lính, nếu còn ít Novocain, chúng tôi sẽ tiêm vào da đầu sau khi đã cạo tóc. Sau khi rạch da đầu, thách thức lớn nhất là phải cắt xuyên qua hộp sọ để phẫu thuật trên não.
Để làm điều này, cần phải khoan nhiều lỗ vào hộp sọ. Thông thường, người ta có một loại khoan y tế đặc biệt để giảm nguy cơ đâm thủng vào não. Chúng tôi không có loại khoan đó nên phải dùng khoan tay thông thường, vì thế thường phải đối mặt với nguy cơ đâm thủng não trong suốt cuộc phẫu thuật.
Chúng tôi tẩm chất khử trùng lên mũi khoan trước khi bắt đầu. Hộp sọ có hai lớp, một lớp màu trắng và lớp kia màu hồng. Bác sỹ phải biết cách khoan sâu bao nhiêu là vừa. Chúng tôi phải dựa vào kinh nghiệm và kiến thức về độ dày của các lớp hộp sọ để quyết định nên khoan sâu chừng nào.
Nếu tôi viết một cuốn sách về chuyện này chắc độc giả sẽ không bao giờ tin, nhưng đó là sự thật. Sau khi khoan một dãy lỗ tạo thành hình tròn, chúng tôi sử dụng một công cụ đặc biệt – cái kềm (kìm)– kẹp các mảnh xương sọ nằm giữa các lỗ khoan để hoặc tách các mảnh hộp sọ ra hoặc nới rộng các lỗ khoan. Đôi khi chúng tôi dùng kềm nha khoa.
Thay cho kềm, một kỹ thuật khác được sử dụng là lấy dây thô làm cưa, đưa dây thô vào một lỗ và đưa đầu kia ra lỗ kế cận, sau đó cầm hai đầu dây kéo đi kéo lại để cắt mảnh xương ở giữa. Thủ thuật này được lặp lại liên tục để tách xương hộp sọ ra, từ đó có thể thấy não ở bên trong.
Cuối cuộc phẫu thuật, rất khó kiếm được một mảnh hộp sọ đủ lớn để trám lại chỗ phẫu thuật do xương bị vỡ vụn và rơi vãi nhiều. Chúng tôi buộc phải để nguyên lỗ thủng như vậy và chỉ khâu phần da đầu bên ngoài. Làm như vậy, người ta có thể thấy phần da ở chỗ mảnh hộp sọ bị khuyết “phập phồng” – như trái tim đang đập vậy. Những bệnh nhân này cần phẫu thuật thêm để đặt một mảnh kim loại trám vào chỗ não bị hở.
Chúng tôi phải thường xuyên có những sáng kiến như thế để cứu chữa thương binh….Để giảm chảy máu, chúng tôi thường buộc chặt dây xung quanh chỗ chi bị cưa, nhưng không phải bằng chỉ y tế mà bằng các sợi dây dù của lính Mỹ.
Chúng tôi thường sáng tạo ra nhiều cách để chữa bệnh. Nghệ và mật ong được bôi lên vết thương để khử trùng. Khi thực hiện mở khí quản bệnh nhân, chúng tôi thiếu các ống y tế thông thường để đặt vào khí quản bệnh nhân, vì thế chúng tôi dùng ống tre non.
Để cố định lại chỗ xương gãy, chúng tôi tới nơi có xác máy bay rơi tìm đinh vít nhỏ về dùng. Các loại đinh vít này rất hữu dụng. Chúng tôi cũng dùng sọ dừa để làm chai truyền dịch. Ống thải của một chiếc trực thăng hoặc máy bay rơi cũng hữu ích, chúng tôi cắt chúng ra làm đôi để nẹp xương gãy”.
Quân y viện nơi ông Lê công tác chứng kiến số lượng thương vong lớn, nhất là chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.
"Bệnh viện chúng tôi chỉ là một cơ sở trung chuyển,” ông Lê kể, “Thương binh trước hết được chăm sóc tại đây nhưng sau đó sẽ được chuyển tới các bệnh viện cố định hơn để được điều trị đặc biệt. Đối với các ca mà chúng tôi chữa trị được, bệnh nhân sau khi bình phục sẽ trở lại chiến trường. Chúng tôi có thể xử lý một lúc 60-70 bệnh nhân.
Suốt đợt Tết đó, chúng tôi tiếp nhận tới 1.000 thương binh. Họ được chữa trị một thời gian rồi chuyển đến các bệnh viện tốt hơn. Chúng tôi thường đợi tới thời gian ngưng giữa các trận đánh để chuyển thương binh đi”.
Do bị cắt cụt tay và không thể thực hiện phẫu thuật, bác sỹ Lê đành làm giám sát các ca phẫu thuật – một nhiệm vụ mà ông đảm trách cho tới ngày thống nhất đất nước.
Ông Võ Hoàng Lê nhập ngũ năm 1947 trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ban đầu được đào tạo để trở thành y tá, rồi sau đó là bác sỹ. Ông hoàn thiện các kỹ năng chủ yếu nhờ thực nghiệm, rồi dần trở thành một chuyên gia phẫu thuật sọ não đầu ngành. Năm 1960, giữa lúc cuộc chiến chống Mỹ ác liệt, ông lại được điều vào chiến trường miền Nam, nơi ông gắn bó suốt 15 năm sau đó.
Cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ đã cướp đi mạng sống của 7 thành viên trong gia đình bác sỹ Lê. Cha của ông bị giặc Pháp bắt tù đày và đã chết trong tù năm 1947. Mẹ của ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam và tra tấn, sau khi được thả một thời gian thì bà mất vào năm 1961.
Trong bốn anh chị em của ông Lê, gồm 3 người anh em và một người chị, tất cả đều gia nhập quân ngũ và đều hy sinh trong cuộc chiến với Mỹ. Năm 1969, vợ ông-bà Nguyễn Thị Thản, một bác sỹ quân y cùng đơn vị với ông – cũng hy sinh ở tuổi 38 sau một đợt ném bom B-52 của Mỹ.
Theo Hiền Anh/Infonet