"Bão" cưới qua làng, nhiều người tái mặt vì thiệp hồng

Google News

Chẳng biết từ lúc nào, dân thôn BN lại có phong trào tổ chức đám cưới sang trọng như bây giờ.

Ông Lanh nói thêm: "Đám nào cũng phải đi dự. Làng nào mời theo làng đó, riêng trưởng thôn phải đi dự tất cả. Phong bì bỏ 2 trăm ngàn mỗi đám, vị chi hết triệu hai. Nhiều nhà phải đi bán ló (thóc) để có tiền đi ăn cưới”.
Tiệc cưới theo phong trào
Chẳng biết từ lúc nào, dân thôn BN lại có phong trào tổ chức đám cưới sang trọng như bây giờ. Mấy năm trước, khi có đám cưới thì bà con nội ngoại, xóm giềng đến phụ nấu nướng, dọn lên chừng chục mâm gọi là mừng con cháu.
"Bao" cuoi qua lang, nhieu nguoi tai mat vi thiep hong
Tiệc cưới làng quê (Ảnh có tính chất minh họa) 
“Bữa nay, nhà có cưới thì đặt cỗ mang đến. Ít thì cũng hai chục mâm (mỗi mâm 10 người), nhiều thì đến năm sáu chục mâm. Rồi đủ cả nhạc sống, “em xi”, áo váy lượt là chẳng kém gì trên phố”, ông Lanh mở chuyện.
Làng có trên 200 nóc nhà, cũng chưa phải là đông đúc của xã nằm ven đường QL 1A này. Vậy nhưng đám trai làng xem ra luống tuổi cũng kha khá. Thằng cu Lỳ chủ quán tạp hóa đầu làng sau một hồi tính toán có vẻ rất căng thẳng mới dám nói với tôi: “Tính từ 30 tuổi trở lên chưa có vợ đúng 25 người. Chưa kể từ 29 tuổi trở xuống đến 24, cháu kiên quyết không đưa vào danh sách. “Cụ” cao niên nhất trong đám thanh niên này là sém 5 chục niên rồi đó ông ạ”.
Có lẽ vì vậy mà khi làng có đám cưới thì xôm tụ lắm. Không kể bà con nội hay ngoại, chỉ cần ở trong làng là được mời dự. Nếu nhà có 2 thanh niên thì có đến 3 người đi dự cưới. “Hai thanh niên là đương nhiên rồi. Còn người nữa là đại diện cho gia chủ. Vị chi cả 3 đi luôn”, cu Lỳ tỏ ra am hiểu.
Chỉ trong tuần đầu tháng 6 âm lịch, thôn có 6 đám cưới. Đám nào cũng nhạc sống mở vang trời. Già trẻ không ngủ được thì lại đến đám cưới uống vài ly xem đám thanh niên hát, nhảy… Tôi cũng ghé dự đám con nhà Thảo. Lẫn trong tiếng nhạc, ông Đặng ghé tai nói như hét: “Hôm qua, hai vợ chồng đi cưới con của bạn ở huyện bên. Tuần này đi 4 đám trong làng. Tuần sau đi dự cưới con nhà thông gia. Tiền đi phụ xây mỗi ngày được 200 ngàn đồng. Đi cưới coi như mất tong cả tuần dầm nắng”.
Ông Đặng cũng chưa phải là “điển hình” đi ăn cưới nhiều trong thôn. Có người nhẩm tính đi trọn cả 6 đám ở thôn còn thêm 4 đám của mấy thôn khác. Quốc La - đồng niên với tôi chuyên trị nghề phụ hồ, học ở đâu kiểu đánh ngón tanh tách khoe mà thấy ly bia đắng nghét: “Tính sơ sơ có 8 đám cưới, thêm 2 đám giỗ bên ngoại nữa là chẵn chục. Tiền vô thì không có, tiền ra cứ như xúc cát vô bao thủng đáy. Đó là chưa kể thằng cu Nậy làm ở Sài Gòn vừa nhảy xe ra để cưới bạn bè. Tiền mừng cưới hắn cũng “đẹo” vô lưng tui chứ có mang được đồng rách mô ra”.
Nhà có đám cưới thì mâm cỗ đặt cũng ná ná nhau. Theo ông Lanh, chẳng có nhà nào làm thêm hay bớt món đi. Tính ra đặt mỗi suất là 100 ngàn đồng. Đi dự cưới tiền mừng cũng được ấn định, đàn ông uống nhiều thì phong bì 200 ngàn đồng. Phụ nữ uống ít thì bỏ 150 ngàn đồng. Bởi vậy, có đám cưới, chỉ thấy phụ nữ đi nhiều là bởi nhà nào cũng muốn bớt được 50 ngàn đồng tiền mừng cưới. Tháng trước, ông Minh làm đám cưới cho con cũng mời ngót ba chục mâm. Xong việc, ông xoa tay mừng như trẻ lại. “May là có lỗ chỉ mất trăm ngàn thôi. Vì ngoài tiền cỗ thì chi phí tiền thuê rạp, tiền nhạc, chụp ảnh, “em xi”… Có đám bị lỗ đến mấy triệu đó chớ. Biết vậy, nhưng không làm thì sợ bà con chê cười”.
Trưa, trời nắng như đốt rẫy. Nóng hầm hập từ mái rạp thấp tè, hơi người quyện với mùi thức ăn như đun thêm cái nóng. Tiếng nhạc cũng được đám thanh niên mở to như muốn hất lộn cổ mấy chai bia để trên bàn xuống đất. Khách khứa ùn đến. Thằng Bạc mặc áo trắng, quần đen thắt nơ lịch lãm quản gần chục đứa con cháu trong nhà đón và dẫn khách vào ngồi mâm. Sau thủ tục bắt tay gia chủ, dâu rể, khách được đám “nhân viên” của thằng Bạc đón xếp vào từng ghế ngồi. Đám này cũng vất vả ngược xuôi, lưng đẫm bệt mồ hôi. Có mâm khách đủ 10 người thì mâm bên người gọi nên bỏ đó đi sang, thằng Bạc lại ơi ới gọi “nhân viên” lưu ý tìm khách đi lẻ để bố trí ngồi cho đủ mâm. Ở quê, khi nghe “em xi” giới thiệu coi như vô tiệc. Dù mâm 10 nhưng chỉ có 7 - 8 người ngồi cũng mở ra cụng ly.
“Nếu mâm 10 mà ngồi 8 người coi như cưới lỗ nặng. Rứa nên bọn cháu phải có trách nhiệm tìm người đưa vô đủ mâm để tránh thiệt hại đó chú nờ”, thằng Bạc ghé tai tôi phân trần xong lại lướt đi ra phía cổng cất giọng: “Hai bàn mé góc cây xoài còn 4 khách nhé”.
Ngồi một lúc, nhìn qua góc rạp phía cây xoài đã thấy trống trơn. Trên bàn cũng được dọn sạch như lau. Quái lạ. Khách nào mà ăn nhanh như cuốn vậy? Tôi chưa kịp hỏi thì ông Lanh ngồi bên giải thích: “Đám thanh niên nóng quá nên dọn mâm đó và thùng bia sang nhà thằng Đệch ngồi nhậu rồi”.
Chưa đầy phút sau thằng Đen, cháu họ tôi cũng đến bên lễ phép: “Cháu với mấy đứa bạn xin dọn mâm sang nhà cháu ngồi cho mát ông ạ”. Rồi cũng nhoàng một phát, cả đám chục thằng đứng lên dọn hết mâm cỗ trên bàn. Thằng Đen lần chần một lúc, e dè lấy mấy chai bia trên bàn tôi ngồi bỏ vào cho đủ két bia rồi bưng lên phóng theo đám bạn.
“Bữa nay, hội thanh niên là vậy. Cứ khoảng đến nửa buổi là kéo nhau đi về nhà ai đó ngồi nhậu cho tới chiều. Coi như trên mâm định suất rồi. Uống hết két bia Sài Gòn của đám cưới thì lại chung tiền mua thêm”, ông Lanh giải thích thêm.
Bán thóc dự cưới
Tan tiệc cưới, chỉ còn đám thanh niên ngồi lại hát hò và nhậu cật lực. Cánh trung niên và phụ nữ kéo nhau về. Đi ngang qua nhà ông Tâm có cái máy xay xát, chị Huế đi cuối đoàn chậm chân trước cổng rồi kêu như gọi đò: "Ơi, ơi, chiều tui chở ra mấy thúng thóc bán để mai đi đám con nhà Hệ với”. Tiếng ông Tâm vọng ra: “Mấy bữa ni bà con bán nhiều quá. Lúa xát, gạo nhiều bán chưa được nên chưa có tiền. Để đó, mai mẹ nó đi chợ bán được gạo thì đưa ra mua cho”. Chị Huế vừa tất tả chạy theo nhóm người trong ngõ vừa nhẩm tính: “Thúng thóc 12 ký, bán được 6 chục ngàn đồng. Tháng ni đi đến 4 đám, bỏ phong thư mừng hết 600 ngàn đồng. Vậy là bán chục thúng thóc mới đủ. Chục thúng thóc là tạ hai. Coi như mất xong nửa sào ruộng”.
Tính toán rành rẽ như vậy nhưng chị lại quay sang phân trần với tôi: “Đó là nói rứa. Bà con ăn ở với nhau cả đời, người ta mời cưới không đi không được”. Tôi hỏi: “Nghe tin thằng cu Cọt nhà chị cũng sắp cưới vợ. Vậy có làm cỗ to để mời làng không? Chị Huệ thật thà: “Thì có ai cấm mô. Có khó thì tui cũng vay mượn chỗ nào đó lo cho con. Lời lỗ chi sau đó rồi tính”.
Cả nhóm người đi về trên con đường bê tông qua hai thôn. Chợt tiếng anh cu Quyết nói vóng lên: “Chết thiệt, năm nay nhuận hai tháng 6. Không khéo tháng sau cũng cưới ầm ầm như vậy thì bán đến mấy tạ thóc”. Ai nghe cũng lặng thinh. Chỉ có tiếng chị Huệ lanh chanh: “Mai tui ra ông Tâm mượn đỡ triệu bạc rồi chia mỗi người mượn một ít để mừng cưới cái đã”. Anh cu Quyết như trút được gánh nặng: “Được đó. Thôi giải tán ai về nhà nấy. Tui về kiếm thêm chén cơm cái đã. Cưới hỏi chi chẳng ăn được mấy miếng”.
Theo Quang Bình/NNVN