Tưởng như cuộc sống đôi vợ chồng trẻ ấy viên mãn, nhưng cuộc đời quả là bất công với cụ, khi chồng cụ mất sớm, để lại cho cụ 4 đứa con thơ dại. Những đứa con ấy lớn lên, có công ăn việc làm đàng hoàng, nhưng hai đứa con trai, vì buồn chuyện cuộc sống mà thắt cổ tử tự, một đứa con trai còn lại cũng bệnh tật chết, người con gái duy nhất của cụ sau đó cũng phát bệnh tâm thần. Đến nay, ở tuổi 90 cụ bà vẫn phải nuôi con tâm thần 60 tuổi.
Hồng nhan bạc phận?
Người đàn bà 90 tuổi chúng tôi nhắc đến là cụ Trương Thị Biết (90 tuổi, ngụ tổ 73, hẻm 42, phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM) và con gái là bà Trương Cẩm Vân (60 tuổi). Hai mẹ con đang được người cháu họ là anh Hùng cho mượn khoảng 6m2 đất trong con hẻm nhỏ, kê mấy cái gỗ nhặt được của người ta vứt ngoài đường để ở, tạm gọi là nhà.
Tôi vừa bước vào nhà cụ Biết, một mùi hôi hám xộc vào mũi, trong cái nhà lụp xụp ấy, một bà cụ tóc bạc trắng, khuôn mặt nhàu nhĩ, song đôi mắt hiền từ. Cụ không đề phòng người lạ, cụ cũng không hỏi tôi từ đâu tới, cụ cười tươi như chỉ mong có ai đó đến trò chuyện cùng mình. Khi biết tôi là nhà báo, cụ nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi ở đây bao nhiêu năm rồi cũng không nhớ nữa, nhưng tôi ít khách lắm. Tôi chỉ thấy ngày lễ tết có bên quận, phường tới thăm tặng quà. Lâu lâu có vài người lạ vào cho tiền, cho cơm hoặc cho vài bộ quần áo.
Nhưng tôi chỉ thích họ nói chuyện với mình, nhà có hai mẹ con, mà con gái tôi bị tâm thần. Suốt ngày con gái tôi nó bỏ đi ra ngoài, xin tiền mua nhẫn với vòng đeo, có khi mua cả đồng hồ... chứ chẳng bao giờ nó mua đồ ăn đồ uống gì đâu. Tính nó vậy thì mình đành chịu, đôi khi muốn nói chuyện mà nó có hiểu gì đâu. Tôi lại mở ti vi xem, hoặc buồn quá lại tự nói chuyện một mình. Có khi tôi nhớ chồng hoặc nhớ mấy thằng con đã chết, cứ tự ngồi nhìn lên trần nhà mà thủ thỉ. Tôi không phải điên đâu nha, chỉ là tôi muốn nói cho khuây khỏa chút đỉnh, già rồi, không thèm gì, chỉ thèm tiếng người”.
|
Cụ Biết (bên phải) đang một mình nuôi con gái tâm thần năm nay đã 60. |
Trong câu chuyện ngắt quãng bởi tiếng nấc, có lúc cụ Biết ngừng lại để cố lục lại trí nhớ chắp vá của mình, cụ Biết kể lại cuộc đời mình như một cuốn tiểu thuyết mà chỉ toàn bi kịch. Cụ kể, cụ sinh ra trong gia đình nghèo đông anh em ở tận Kiên Giang. Giờ, cụ không nhớ nổi tên huyện, tên xã. Năm 18 tuổi, cụ nổi tiếng xinh đẹp nhất địa phương.
Cụ nói rất thật: “Tôi không biết tôi xinh đến cỡ nào, nhưng mà ngày tôi lớn lên, đi đâu ai cũng khen tôi xinh hết. Sau đó có người đàn ông tên Tâm sang thưa chuyện với ba mẹ tôi để cưới tôi về làm vợ. Ngày đó nhà tôi nghèo, nhà ông Tâm giàu lắm, có mấy cái đồn điền. Tôi thấy mình quá may mắn khi lấy được chồng vừa hiền, vừa giàu lại đẹp trai như vậy. Chồng cũng quan tâm tôi lắm”.
Những tưởng với bước ngoặt quá may mắn, cuộc đời của cụ Biết sẽ sống trong yên bình sung sướng. Ngày đó, chồng cụ làm việc cho gia đình, cuộc sống khá giả nên cụ Biết chỉ ăn rồi sinh, bốn đứa con lần lượt ra đời trong sự chào đón của hai họ.
Lau dòng nước mắt, cụ Biết tâm sự: “Con tôi đứa nào sinh ra cũng khỏe mạnh, xinh xắn, đi đâu ai cũng khen hết. Chồng và gia đình chồng rất hài lòng về tôi, vì tôi ngoan ngoãn, lễ phép”. Nhưng sau khi sinh đứa con thứ tư được vài tháng, cụ Biết đau đớn khi mẹ báo tin bố cụ đã thắt cổ tử tự. Lúc đó mới sinh xong, cụ Biết đau khổ vô cùng, nhưng nghĩ sống vì chồng con, nên cũng cố gắng để vượt qua bi kịch số phận.
Bi kịch một kiếp người
Kể đến đây cụ Biết bùi ngùi nói: “Năm 1962 chồng tôi đang làm ăn thuận lợi thì bị bọn lính chế độ cũ vào cướp phá nhà cửa. Chồng tôi lúc đó vì buồn đau mà sinh bệnh, anh em phân tán, chồng tôi gom được ít tiền còn lại dắt díu vợ con lên Sài Gòn chữa bệnh và dự định, khi chữa bệnh xong sẽ ở lại làm ăn luôn. Nhưng lên Sài Gòn được vài tháng thì chồng tôi bệnh nặng quá mà chết. Ông ấy ra đi khi đứa lớn 17 tuổi và con út Cẩm Vân có 6 tuổi. Tôi một mình nơi đất khách, có vài anh em họ hàng xa, nhưng ai cũng khó khăn, tôi chôn cất chồng xong là không còn một xu nào. Thế rồi, mẹ con lần hồi kiếm sống nuôi nhau ”.
Trở về quê thì không còn đất để ở, ở lại Sài Gòn thì không có nơi dung thân, nên cụ Biết xin mẹ của anh Hùng (chủ cho bà ở nhờ bây giờ) cho một khoảng đất để tá túc nuôi các con sống qua ngày. Với ai đó, Sài Gòn là mảnh đất hứa, nhưng với cụ Biết thì nơi đây như một điểm tựa cuối cùng với suy nghĩ, nếu không ở lại mẹ con cụ sẽ chẳng biết đi đâu mà sống.
Đời người đàn bà 36 tuổi trở thành góa phụ, với 4 đứa con thì nỗi đau nào bằng. Cứ thế, cụ Biết cắn răng làm thuê đủ thứ để lấy tiền nuôi con. Các con cụ ngoan ngoãn, thương mẹ hết mực, nên ba người con trai đã cố gắng đi khắp nơi xin việc để phụ mẹ mưu sinh.
Nhưng bi kịch không dừng lại ở đó, năm 1970 đứa con trai đầu của cụ không hiểu chuyện gì đã thắt cổ tử tự tại một cái cây trên con đường vắng. Sau đó 2 năm đứa con trai thứ 2 cũng thắt cổ ở quê Kiên Giang (anh này về quê chơi và thắt cổ quyên sinh ở quê).
Thật khó khăn lắm, cụ Biết mới thốt nên lời: “Nuôi con bao nhiêu năm, nó trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, chỉ mong nó sớm lập gia đình, để mình yên tâm. Không ngờ hai đứa nó thắt cổ chết mà tôi không hiểu lý do. Đến tận bây giờ, điều duy nhất tôi day dứt là vì sao con tôi đau đớn lại không kể cho mẹ nghe, mà lại tìm cách quyên sinh. Người ta nói, đó là cái “huông” (dớp – PV) của gia đình tôi, như ba tôi cũng thắt cổ nên các con tôi theo cái “huông” đó. Tôi đau lòng lắm, sau khi hai đứa đầu ra đi, đứa con trai còn lại cũng chết vì bệnh”.
Chỉ còn con gái là niềm an ủi duy nhất trên cõi đời, nhưng cụ Biết lại vô cùng đau đớn khi vào năm 16 tuổi, con gái Cẩm Vân phát bệnh tâm thần. Từ đó đến nay, hai mẹ con cụ Biết vẫn sống trong góc xép dột nát. Cụ Biết nói về đứa con gái mãi vẫn khờ dại của mình: “Nó không chịu ngồi một nơi, cứ lang thang hoài. Có lần nó đi và đi 2 năm luôn, tôi đi tìm khắp nơi. Sau đó thì phường gọi tôi lên bảo, có một trại dưỡng lão ở Vũng Tàu nuôi con bé, khi nó tỉnh nó khai tên mẹ, rồi người ta xác minh. Tôi mừng phát khóc, dù nó có khờ dại khùng điên, tôi vẫn chỉ muốn nó ở bên mình”.
Mấy năm nay cụ Biết quá yếu, không đi bán hàng được nên cuộc sống của hai mẹ con phải dựa vào sự giúp đỡ của chính quyền và bà con, sinh sống qua ngày. Cụ Biết nói: “Tôi có được mấy trăm một tháng, con Cẩm Vân cũng được mấy trăm. Cơm thì trên phường cho người đưa xuống một ngày hai hộp, tôi mua thêm gạo với thức ăn nấu qua ngày. Cũng có đôi người ghé vào cho vài trăm rồi lại đi, tết thì phường hay tổ dân phố và bà con cũng giúp chút đỉnh. Nhưng, tôi chỉ muốn làm sao cái nhà tôi không bị dột, để tối hai mẹ con ngủ ngon”.
>>> Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn Youtube):
Theo Người Đưa Tin