Người đàn ông có thể nai lưng ra làm việc ngày đêm, kiến tạo một gia đình sung túc, có thể đem lại cho vợ con nhiều niềm vui vật chất và tinh thần nhưng mãi mãi họ vẫn không phải là người đàn ông đáng để đàn bà mơ ước nếu họ không đem lại được cho người vợ niềm hạnh phúc chốn phòng the.
Quả vậy, làm sao có thể gọi là vợ chồng hạnh phúc, nhất là những đôi còn đang thời xuân sắc mà lại không có chuyện “chung đụng gối chăn” khi vẫn sống chung dưới một mái nhà? Lẽ nào, một người vợ lành mạnh về thể chất, lại không có lúc khát khao cái nhu cầu ân ái có tính bản năng của con người. Trong khi đó, chồng lại không có khả năng đáp ứng thì sao chẳng hẫng hụt? Căn bệnh đó gọi là bệnh “bất lực” của đàn ông.
|
Ảnh minh họa. |
Xin không bàn tới những người bất lực bẩm sinh hay vì lý do bệnh lý. Chỉ nói về những đàn ông bình thường, thậm chí khi mới kết hôn còn mạnh mẽ nhưng sau một thời gian chung sống, khả năng ấy cứ suy giảm dần rồi "gác kiếm" từ lúc nào không biết.
Nghiên cứu cho thấy bệnh “bất lực” xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Nếu so sánh với bệnh lãnh cảm của phụ nữ, bệnh “bất lực” của đàn ông còn tồi tệ hơn. Bởi vì một người vợ mắc chứng lãnh cảm nếu yêu chồng, chiều chồng vẫn có thể cho chồng hưởng niềm vui ân ái, dù bản thân không mảy may hứng thú và vẫn có khả năng sinh đẻ bình thường.
Nhưng người đàn ông “bất lực” sẽ làm mất đi hạnh phúc ái ân, một giá trị của hôn nhân hiện đại. Cần phải nói thêm rằng, bệnh “bất lực” của đàn ông không chỉ gây hẫng hụt cho người vợ mà còn hẫng hụt ở chính bản thân anh ta. Đàn ông mắc “bệnh” này thường sống trong trạng thái tâm lý bức xúc, hay cau có, bẳn gắt, bực tức vô cớ.
Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mà còn ảnh hưởng đến công việc làm ăn, đến sự nghiệp của họ, đến thái độ giao tiếp với những người xung quanh. Từ chỗ mất tự tin ở khả năng đàn ông có thể dẫn tới mất tự tin trong công việc, hạn chế đóng góp của họ cho gia đình và xã hội.
Nguyên nhân căn bệnh này do đâu? Câu hỏi đó không thể không liên quan đến người vợ, bởi vì khi mới lấy nhau, anh ta có như thế đâu. Tôi biết một người đàn ông chạc 40 tuổi. Một hôm vợ chồng đang ngồi xem ti-vi, trong phim có một nhân vật nam dâm đãng, đáng khinh. Vợ buông luôn một câu: "Ôi dào, đàn ông thằng nào chả thế!”. Anh chồng cự lại, thế là vợ chồng cãi nhau.
Lúc đầu còn nói đùa, về sau căng thẳng dần. Chồng tức quá không biết làm thế nào, từ đó như để chứng mình rằng đàn ông không phải ai cũng “thế cả”, anh ta quyết không bao giờ chủ động trong chuyện chăn gối với vợ nữa. Chắc chị ta cũng nghĩ: ”Anh chẳng cần tôi thì tôi cần gì anh?”.
Mấy năm sau, chuyện cãi nhau đã rơi vào quên lãng nhưng cả hai vợ chồng vẫn chẳng ai “cần” ai. Có lần tâm sự với bạn bè, anh ta nói thật: ”Không hề có ham muốn tình dục, nhất là với vợ”.
Lại một trường hợp khác, nhân lúc trà dư tửu hậu, một ông chưa đến 50 tuổi thú thật: "Chuyện đó với tôi đã thành cổ tích”. Thấy ánh mắt ngờ vực của tôi, ông giải thích thêm: "Nó phải có sự đồng tình của hai người nhưng vợ mình có thiết quái gì đâu. Động đến là vùng vằng. Thấy kích rích quá lâu dần nhịn mãi thành quen. Bây gìơ có mời cũng chịu”.
Biết đâu người vợ ông ta chẳng nghĩ rằng càng “vùng vằng” như thế, chồng càng tôn trọng đức hạnh của mình hơn, con người mình càng “cao quý” hơn? Các nghiên cứu tình dục học cho thấy, nhất là với người lớn tuổi, nếu sao nhãng chuyện ấy chừng một năm trở lên, có nguy cơ không phục hồi lại được.
Tuy nhiên, đâu phải tất cả đàn ông trong trường hợp ấy đều chịu “chay tịnh” như thế. Có người tình cờ gặp cơ hội đã thử lại “khả năng đàn ông” của mình và điều ngạc nhiên là anh ta lại tìm thấy “phong độ” cũ. Tiếc là không phải với vợ mình mà với... người đàn bà khác.
Hẳn chẳng phải bàn thêm cũng thấy điều đó tác hại thế nào đối với hạnh phúc gia đình.
Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa/Dân Việt