Vì sao luyện tập thể thao tăng sức đề kháng cho cơ thể?
Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng từ 60 - 90% những người thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư ít bị cảm lạnh hơn so với những người không rèn luyện thể chất - theo kết quả khảo sát của Hội đồng quản lý Sức khỏe, Thể dục Thể thao và Dinh dưỡng Hoa Kỳ (PCFSN) công bố vào tháng 6/2001.
Tiến sĩ Mark Jenkins - một thành viên tham gia cuộc nghiên cứu đến từ Đại học Rice - khẳng định rằng một chế độ luyện tập thể dục thể thao điều độ chính là một cách thức hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, và điều này “đặc biệt thể hiện rõ ràng hơn ở người lớn tuổi. Rèn luyện thể chất điều độ có tác dụng giúp hạn chế quá trình suy giảm hệ miễn dịch do sự lão hóa gây ra”.
Đã có nhiều nghiên cứu khẳng định việc tập luyện thể dục thể thao mang lại lợi ích cho cả cơ thể và bộ não, gia tăng hiệu quả hoạt động của hệ miễn dịch và giúp chúng ta phòng chống bệnh ung thư. Công trình nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đến từ Trung tâm Y Tế của Đại học Nebraska và Viện Điều trị Ung thư thuộc Đại học Northern Colorado vào năm 2012 đã phát hiện ra một hiện tượng thú vị ở những bệnh nhân đã điều trị ung thư thành công. Trong quá trình điều trị, nhóm bệnh nhân này được yêu cầu tham gia một lớp học thể dục đều đặn kéo dài suốt 12 tuần. Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng trong cơ thể của những bệnh nhân này chứa một lượng lớn tế bào T - một loại tế bào đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể - giúp họ có sức đề kháng bệnh tật tốt hơn những người khác sau khi hoàn tất chương trình học thể dục.
Tiến sĩ y khoa Laura Bilek - một thành viên của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Nebraska - nhận định kết quả nghiên cứu như sau: “Thông qua các hoạt động rèn luyện thể chất, chúng ta có thể loại bỏ những tế bào T không còn có ích cho cơ thể và tạo không gian cho những tế bào T thực sự có tác dụng bổ trợ hệ miễn dịch”. Quả thực, nếu các hoạt động thể dục thể thao có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và có tiềm năng trong việc giúp con người tầm soát bệnh ung thư hiệu quả hơn, “chúng ta có thêm một lý do chính đáng và thiết thực để thuyết phục người dân tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất nhiều hơn nữa, thậm chí xem chúng như một trong những ưu tiên hàng đầu của cuộc sống” - tiến sĩ Bilek nhấn mạnh.
Cách nâng sức đề kháng qua bài tập
Động tác 1: Đứng thăng bằng trên 1 chân
Bài tập này nhằm mục đích phát triển sự nhanh nhẹn và tập căng dây chằng ở mức độ nhẹ, cải thiện tuần hoàn và cột sống.
Bạn chỉ cần co một chân và đứng thẳng kết hợp giơ 2 tay hay ngang vai để giữ thăng bằng. Thực hiện ít nhất 5 lần với mỗi chân đứng thăng bằng.
Động tác 2: Đứng vững và hít vào
Phương pháp này giúp cải thiện đường hô hấp của bạn.
Khi thực hiện, bạn đứng thẳng, đầu gối hơi chùng xuống, 2 tay để ngang ngực và bắt đầu hít vào từ từ. Thực hiện bài tập này mỗi ngày trong 2-5 phút.
Động tác 3: Tập khí công
Những người học võ thường sử dụng bài tập này để khởi động trước khi tập luyện. Phương pháp khí công giúp kiểm soát nguồn năng lượng, sức mạnh và cả tinh thần.
Khi thực hiện, bạn hơi chùng 2 chân, 1 tay chống hông, tay còn lại đặt ngang vai. Sau đó, đưa tay từ vai vòng xuống phần eo và tiếp tục đưa tay về vị trí ngang vai.
Động tác 4: Đứng thẳng và ngồi xổm xuống
Bài tập này tốt cho vùng cột sống và thắt lưng. Ngoài ra, nó còn làm giảm các rối loạn tâm lý đồng thời cải thiện chức năng thận.
Bạn chỉ cần đứng thẳng và ngồi xổm xuống, thực hiện 10 lần mỗi ngày với người mới bắt đầu. Sau đó, lắng nghe cơ thể và bắt đầu tăng dần nhịp độ.
Động tác 5: Tăng sức chịu đựng cho chân
Thời trung cổ, các nhà sư người Hoa thực hiện bài tập này để tăng khả năng chịu đựng và sức mạnh cho đôi chân.
Bạn hãy chùng đầu gối một chút và bắt đầu lắc nhẹ phần tay, chân và tránh lắc lưng nhé.
Động tác 6: Xoay nhẹ người và giơ tay
Tuy là bài tập đơn giản nhưng lại rất hiệu quả vì nó kích thích thận, lá lách cùng tuyến tụy. Lúc này, các khớp cũng linh hoạt hơn.
Khi thực hiện, bạn đứng thẳng, xoay nhẹ người sang 1 bên rồi giơ 1 tay cao lên như đang hái hoa quả rồi thu tay về ngang vai và quay người sang bên kia thực hiện tương tự.
Động tác 7:
Tập thể dục theo cách này giúp cải thiện dây chằng, tăng sức mạnh cơ bắp và mở khớp.
Để thực hiện, bạn mở 2 chân bằng vai, bàn tay xòe ra và để ngang vai rồi từ từ hạ tay xuống phần eo và tiếp tục giơ tay ngang vai. Lặp lại bài tập này 8 lần một hiệp rồi nghỉ.
Động tác 8:
Mục đích chính của bài tập này là không chỉ tập luyện cơ thể mà còn tăng năng lượng và tinh thần.
Cách thực hiện như sau: Đứng mở 2 chân thật to, hai tay đặt trước lồng ngực sao cho mu bàn tay chạm nhau, sau đó từ từ giơ 2 tay qua đầu. Bước tiếp theo, mở cánh tay hạ xuống ngang đùi và tiếp tục đưa 2 tay qua đầu rồi thu về vị trí như ban đầu.
Động tác 9:
Bài tập này cải thiện sự ổn định của khớp gối.
Cách thực hiện: Chùng gối thật sâu sao cho 2 bàn tay ngang đầu gối. Sau đó, bạn từ từ đứng dậy và giơ tay song song qua đầu như đang nâng đồ vật.
Động tác 10: Xoay đầu gối
Đây là phương pháp khởi động phổ biến trong võ thuật để tăng sự linh hoạt cho khớp gối.
Cách thực hiện: Đứng cúi người và đặt 2 tay vào đầu gối rồi bắt đầu xoay khớp đầu gối theo vòng tròn. Lặp lại nhiều lần khi thực hiện.
Theo Phụ nữ News