Dựa vào đặc điểm và diễn biến, có thể chia bệnh tiểu đường ra thành các loại: Tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2, tiểu đường thứ phát và tiểu đường thai kỳ.
Bản thân bệnh tiểu đường đã gây ra nhiều khó chịu trong sinh hoạt, ăn uống. Hơn nữa, bệnh còn làm tăng nguy cơ mắc hoặc gây ra những biến chứng liên quan tới: Huyết áp cao, cholesterol cao, béo phì, hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch vành, suy thận, tổn thương thần kinh (có thể dẫn đến mất chi), đục thủy tinh thể và mù lòa… cũng như làm giảm khả năng chống nhiễm trùng và viêm, các vấn đề trong thai kỳ.
Cần phải nhớ rằng, bệnh tiểu đường là bệnh mãn tính. Tức là bệnh nhân sẽ phải phụ thuộc vào thuốc và điều chỉnh dinh dưỡng, sinh hoạt để kiểm soát lượng đường trong máu. Nhắc tới chế độ ăn uống của người mắc tiểu đường, ấn tượng đầu tiên là họ phải kiêng khem nhiều thứ. Tuy nhiên, cũng có một số loại rau củ nếu ăn điều độ sẽ giúp phòng bệnh và hỗ trợ điều trị bệnh này:
1. Mướp đắng
Nhắc tới các thực phẩm mà tiểu đường “sợ” nhất thì không thể nào bỏ qua mướp đắng. Mướp đắng có chứa một hoạt chất gọi là Momordica, được chứng minh là có tác dụng hạ đường huyết trong nhiều thí nghiệm trên động vật.
Mướp đắng rất tốt trong kiểm soát đường huyết và cân nặng (Ảnh minh họa)
Chất này hoạt động giống như insulin nhờ đó có tác dụng làm giảm đường máu. Momordica có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể thông qua các con đường khác nhau. Bao gồm tăng độ nhạy insulin, thúc đẩy sử dụng glucose và giảm sản xuất glucose ở gan. Đặc biệt là làm cho nhiều glucose đi vào các tế bào sau đó lưu trữ glucose này ở trong gan, cơ bắp hoặc chất béo và quá trình ngược lại.
Lưu ý là tác dụng hạ đường huyết ở mướp đắng hiệu quả hơn khi uống nước ép thay vì ăn mướp đắng đã chế biến nhiệt. Cũng không nên dùng khi bụng đói.
2. Đậu bắp
Các thực phẩm giàu chất xơ như đậu bắp là một phần quan trọng trong chế độ ăn của người bị tiểu đường. Bởi ăn nhiều chất xơ đã được chứng minh là có thể kiểm soát đường huyết tốt hơn và cải thiện độ nhạy insulin.
Chất xơ trong đậu bắp còn là chất xơ hòa tan, do đó có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm tác động của carbohydrate đến lượng đường trong máu. Đồng thời, đậu bắp cũng giúp giữ no lâu hơn. Đậu bắp còn giúp duy trì lượng glucose và ngăn ngừa bất kỳ loại tổn thương nào đối với thận. Nhờ việc đào thải tốt, mà lượng đường trong máu sẽ được kiểm soát ở mức ổn định.
Đặc biệt, trong nhớt của đậu bắp có chứa một số chất hữu ích trong kiểm soát đường huyết. Nó tạo thành một lớp chất nhầy trong ruột, có thể làm chậm quá trình hấp thụ glucose, khiến lượng đường trong máu tăng chậm hơn.
3. Bông cải xanh
Bông cải xanh được xem là chìa khóa giúp làm chậm, thậm chí đảo ngược bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2. Đây là kết luận từ nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science Translational Medicine của các nhà khoa học Thụy Điển. Điều này nhờ vào tác dụng của hợp chất có tên sulforaphane có trong bông cải xanh.
Chưa kể, bản thân bông cải xanh cũng rất giàu chất xơ hòa tan và chất chống oxy hóa. Từ đó giúp kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa hoặc giảm lượng đường tăng đột biến. Chất xơ hòa tan cải thiện độ nhạy insulin bằng cách cung cấp cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng bông cải xanh có chứa crom, có thể ảnh hưởng đến chức năng insulin và chuyển hóa glucose. Từ đó có khả năng giúp giảm lượng đường trong máu. Nghiên cứu về vấn đề này mới chỉ thực hiện trên chuột và vẫn đang được tiếp tục mở rộng.
4. Bí ngô
Bí ngô là một loại rau giàu chất xơ có thể giúp trì hoãn quá trình làm rỗng dạ dày và tăng cảm giác no. Chất xơ trong bí đỏ ngăn quá trình hấp thu đường, có khả năng làm hạ đường huyết đáng kể sau ăn. Ngoài ra, bí ngô còn chứa một số chất phytochemical tự nhiên, chẳng hạn như polyphenol và carotene, được coi là có khả năng làm giảm lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, khoa học chứng minh rằng bí ngô chủ yếu có tác dụng phòng bệnh hơn là chữa bệnh đối với tiểu đường. Bởi vì những người tiểu đường nếu ăn nhiều bí ngô, nhất là loại bí chín kỹ, giống bí có vị quá ngọt (chỉ số đường huyết cao) thì sẽ gây phản tác dụng. Còn nếu ăn điều độ, không quá 200g mỗi ngày thì có hiệu quả kiểm soát đường đáng kể.
5. Củ cải trắng
Củ cải trắng có chỉ số đường huyết thấp, nghĩa là nó khiến lượng đường trong máu tăng chậm hơn trong quá trình tiêu hóa. Điều này có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngoài ra, củ cải trắng còn có thể chiết xuất một loại dầu thực vật rất giàu axit béo không bão hòa. Chẳng hạn như axit béo Omega-3 và axit béo Omega-6, cũng như một số vitamin và chất chống oxy hóa khác. Những chất này được chỉ ra rằng có tác dụng tăng phân hủy chất béo, tinh bột và có tác dụng hạ đường huyết. Đồng thời, axit béo Omega-3 có lợi trong việc giảm viêm và cải thiện độ nhạy insulin, từ đó có tác động tích cực đến việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Củ cải trắng lại có hàm lượng chất xơ dồi dào, chỉ số glycemic (phản ánh tốc độ gia tăng đường huyết) thấp, vì thế đây là loại thực phẩm lý tưởng để phòng và chữa tiểu đường. Nhưng nước ép củ cải trắng được xem là có hiệu hơn so với củ cải trắng đã nấu chín.
6. Cà tím
Giống như những rau củ ở trên, cà tím có khả năng kiểm soát đường huyết là nhờ lượng chất xơ rất cao. Chất xơ khi vào ruột sẽ giúp thức ăn được tiêu hóa và hấp thụ vào máu chậm hơn, nhờ đó giúp đường huyết ổn định hơn và không tăng quá nhanh. Cà tím cũng có chỉ số đường huyết rất thấp, ước tính nằm trong khoảng từ 15 đến 30. Theo các chuyên gia, các thực phẩm dưới chỉ số 55 giúp ổn định đường huyết.
Nhưng hơn cả vậy, cà tím chứa các hợp chất polyphenolic tự nhiên như lycopene và anthocyanin. Khoa học đã chứng minh rằng các chất này có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu và sức khỏe tổng thể nhờ làm giảm nguy cơ hấp thụ đường và tiết nhiều chất insulin hơn. Polyphenol của cà tím còn giúp giảm lượng enzyme gây ảnh hưởng đến hấp thu đường huyết và đường huyết trong cơ thể.
Cà tím không chỉ có chỉ số đường huyết thấp mà còn tốt cho mạch máu (Ảnh minh họa)
Như vậy, ngay trong tự nhiên cũng có những thực phẩm kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe nhấn mạnh rằng bệnh nhân tiểu đường chỉ nên tham khảo và ăn uống điều độ, theo chỉ dẫn từ bác sĩ. Đặc biệt là chúng không có tác dụng chữa bệnh, không thể thay thế thuốc, bệnh nhân vẫn phải uống thuốc theo đúng chỉ định.
Theo Ngọc Ái/Phụ nữ Việt Nam