Bé gái nguy kịch vì mua nước ở cổng trường bị đưa nhầm chai axit

Google News

Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh viện này vừa tiếp nhận một bệnh nhi uống nhầm axit bị bỏng nặng dạ dày.

Bỏng nặng vì uống nhầm axit
Bệnh nhi là cháu Nguyễn Diệu Linh, 11 tuổi, Quảng Ninh. Sáng ngày 26/06, sau khi ăn sáng, Linh đã mua nước ở cổng trường uống. Người bán hàng do vô ý đã đưa nhầm chai dung dịch axit sunfuric (loại rửa ắc quy) cho cháu thay vì nước uống thông thường.
Gia đình chia sẻ, con trai của người bán hàng làm nghề sửa chữa máy nổ, máy bơm nên có tích trữ axit sulfuric trong chai lavie để ở trong nhà. Đó chính là nguyên nhân gây ra sự nhầm lẫn tai hại.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, cháu bé được đưa đến bệnh viện địa phương sơ cấp cứu sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tiếp nhận bệnh nhi lúc 15h chiều 27/06, các bác sĩ tại khoa Cấp cứu chống độc đã tiến hành thăm khám và chỉ định bệnh nhi nội soi tai mũi họng, soi hóa cấp cứu. Kết quả cho thấy bé Linh bị loét dạ dày hành tá tràng mức độ 3a . Cháu được đặt sonde dạ dày và chuyển điều trị tiếp tại chuyên khoa Tiêu hóa.
Theo BSCKII Đặng Thúy Hà, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Trung tâm Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương: Do vùng miệng của bệnh nhi bị tổn thương khá nặng, không thể ăn uống như bình thường, các bác sĩ phải đặt đường truyền nuôi dưỡng cho bệnh nhi kết hợp tiêm kháng sinh.
Be gai nguy kich vi mua nuoc o cong truong bi dua nham chai axit
 Mua nước ở cổng trường, bé gái nguy kịch vì bị đưa nhầm chai axit
10 ngày sau khi nhập viện, bé Linh liên tục đau bụng, nôn. 4 ngày tiếp theo tình trạng sức khỏe của bé tạm thời ổn định. Tuy nhiên, 5 ngày sau cháu lại sốt cao 39-40 độ.
Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa, hiện tại, cháu Linh vẫn trong tình trạng nặng. Cháu bị viêm phúc mạc, tiên lượng xa có thể hẹp dạ dày môn vị, không thể ăn uống bằng đường miệng.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cũng tiếp nhận một trường hợp bé trai uống nhầm axit sulfuric do người nhà đựng trong chai trà xanh không độ, bị bỏng chít hẹp đường ăn.
Bé trai N.T.Ph (2,5 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng nôn ói, không thể ăn cơm cháo được. Bệnh sử ghi nhận trước đó, trẻ chơi đang trong sân vườn trước nhà, sau đó khát nước chạy vào nhà.
Bé thấy chai trà xanh không độ để trên bàn tưởng nước ngọt nên uống, không ngờ chai đó chứa axit sunfuric loãng (H2SO4) của người lớn chưa kịp cất.
Sau khi uống trẻ ho sặc sụa, ói ra dịch hóa chất vừa uống, được người nhà cho uống nước súc miệng. Sau đó trẻ không có biểu hiện gì tiếp tục chơi đùa.
Sau 2 ngày trẻ ăn cơm thì bị ói, chỉ ăn được cháo nhưng thỉnh thoảng ói ra và than đau rát vùng bụng trên rốn (thượng vị) nên được mẹ đưa vào bệnh viện khám.
Khi khám cho cháu bé, các bác sĩ thăm khám và tiến hành nội soi đường tiêu hóa của trẻ, thấy thực quản, dạ dày bình thường, nhưng vùng môn vị sưng đỏ, chít hẹp, khó đặt ống thông đi qua.
Sơ cứu bỏng axit như thế nào?
BSCKII Đặng Thúy Hà – Bệnh viện Nhi trung ương cho biết thêm, tai nạn uống nhầm axit là một trong những tai nạn sinh hoạt để lại hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp này, tác nhân gây bỏng là axit sunfuric (H2SO4).
Do tính chất oxy hóa mạnh nên khi tác động lên cơ thể, axit phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ… gây hoại tử từ ngoài vào trong theo cơ chế đông vón protein của cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo, việc cần làm ngay lúc đó nếu trót uống hóa chất này là cần uống càng nhiều nước lọc càng tốt. Việc pha loãng axit trong dạ dày là rất quan trọng giúp tránh tổn thương ở mức độ nặng tại cơ quan này.
Để phòng tránh những tác hại của hóa chất với trẻ em, đặc biệt là axit, người lớn cần phải biết cách phòng hộ và bảo quản axit, tránh những nơi dễ đổ vỡ hoặc bay mùi.
Khi uống phải axit, theo GS Lê Năm – nguyên Viện trưởng viện Bỏng quốc gia, cần nhanh chóng cho nạn nhân uống nhiều nước lọc để hoà loãng nồng độ axit trong dạ dày nhằm tránh những tác hại nghiêm trọng nhất, bởi việc pha loãng axit trong dạ dày là rất quan trọng giúp tránh tổn thương tại cơ quan này.
Ông cũng cho biết thêm, việc điều trị những bệnh nhân uống phải axit tùy thuộc vào từng trường hợp và độ đặc, loãng của axit.
Nếu nạn nhân chưa nuốt axit vào dạ dày mà kịp nhổ ra thì axit chỉ gây bỏng khoang miệng và môi. Bộ phận niêm mạc của vùng bị bỏng sẽ bị hoại tử nhưng sẽ nhanh chóng phục hồi hoàn toàn nếu được điều trị tích cực trong 10 ngày và bệnh nhân có thể xuất viện.
Theo Khánh Chi/ Infonet