Mới đây, bác sĩ Kim Ngân, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP HCM) cho biết, vừa qua khoa đã tiếp nhận một bé trai tên D. (8 tuổi) nhập viện vì tăng men gan kéo dài 1 năm cùng tình trạng dư cân so với tuổi. Chỉ số men gan ALT lúc nhập viện >200 UL.
Đáng chú ý, các bác sĩ đã làm đầy đủ các xét nghiệm tìm nguyên nhân nhưng hầu hết chỉ số đều bình thường. Sau đó, bác sĩ điều trị đã hội chẩn với trưởng khoa và quyết định thủ thuật sinh thiết gan để tìm nguyên nhân.
Kết quả sinh thiết cho thấy bé trai bị gan nhiễm mỡ không do rượu với hình ảnh nhiều tế bào gan bị thoái hóa mỡ. Bé được cho khám dinh dưỡng về chế độ ăn và lời dặn tập thể dục để giảm cân, tái khám lại sau 1 tháng.
Theo bác sĩ, gan nhiễm mỡ có thể điều trị nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, tầm soát khá đơn giản chỉ với xét nghiệm men gan.
Độ tuổi khuyến cáo nên tầm soát sớm bệnh lý này ở trẻ em là 9 -11 tuổi ở những trẻ dư cân béo phì.
Đặc biệt bệnh lý này ở trẻ em không có thuốc điều trị đặc hiệu. Thay vào đó phương pháp điều trị chỉ là giảm cân bằng cách thay đổi chế độ ăn cắt giảm tinh bột, chất đường, chất béo kết hợp tập thể dục mỗi ngày.
|
Gan nhiễm mỡ ở trẻ được xác định là căn bệnh nguy hiểm mà các cha mẹ cần lưu tâm. |
Bệnh nhân sẽ phải tái khám định kỳ 1-6 tháng để đánh giá lại dinh dưỡng và xét nghiệm lại men gan, men gan giảm đồng nghĩa với sự hồi phục các tế bào gan bị thoái hóa mỡ.
Bác sĩ Ngân cho biết, gan nhiễm mỡ thường gặp ở trẻ dư cân, béo phì, đa số không có triệu chứng và được phát hiện một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm bụng ghi nhận hình ảnh gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ ở trẻ em rất nguy hiểm
Nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa có kiến thức về bệnh tình, mơ hồ không biết bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em có nguy hiểm hay không. Theo ý kiến của bác sĩ Trần Anh Ngọc (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: “Gan nhiễm mỡ là căn bệnh phổ biến không chỉ ở người lớn mà còn xuất hiện nhiều ở trẻ em. Bệnh sẽ phát triển gây nên những hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một vài trường hợp gan nhiễm mỡ ở trẻ gây nên những biến chứng như xơ gan, ung thư gan, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống sau này của trẻ”.
Gan nhiễm mỡ ở trẻ được xác định là căn bệnh nguy hiểm mà các cha mẹ cần lưu tâm. Điều này dễ hiểu vì gan là một trong những cơ quan chức năng quan trọng nhất của cơ thể. Những tổn thương trên gan sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các bộ phận khác. Chính vì vậy, cha mẹ cần phải chủ động trong việc phòng tránh bệnh gan nhiễm mỡ cho bé. Và đặc biệt là không được chủ quan khi bé có dấu hiệu bị bệnh.
Cách phòng bệnh gan nhiễm mỡ cho trẻ
Hiện tại, chưa có loại thuốc nào đặc trị riêng cho bệnh gan nhiễm mỡ. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do bệnh lý như béo phì, mỡ máu,… thì cần phải chữa khỏi những căn bệnh ấy trước. Điều trị gan nhiễm mỡ cần nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Do đó, các bậc phụ huynh nên phòng ngừa bệnh cho bé ngay từ sinh hoạt hàng ngày.
|
Cha mẹ cần phải chủ động trong việc phòng tránh bệnh gan nhiễm mỡ cho bé. Ảnh minh họa. |
Các bác sĩ khuyến cáo rằng, cách phòng ngừa gan nhiễm mỡ hiệu quả nhất cho trẻ đó là có một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý. Hạn chế cho bé ăn những đồ cay nóng, đồ chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh. Và đặc biệt hơn là cha mẹ phải cho bé ăn nhiều rau xanh, củ quả. Các chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể phải cân bằng, không được quá dư thừa sẽ dẫn tới béo phì.
Cho bé thường xuyên tập thể dục thể thao với các bài tập nhẹ nhàng. Muốn biết được trẻ có mắc bệnh hay không thì cha mẹ lưu ý cho con đi khám sức khỏe định kỳ. Xét nghiệm máu, men gan AST, ALT, siêu âm, có thể phát hiện ra bệnh về gan và mức độ tổn thương gan.
Trường hợp trẻ bị gan nhiễm mỡ do béo phì thì cha mẹ cần phải đặc biệt quan tâm đến thực đơn dinh dưỡng của trẻ. Hạn chế ăn phủ tạng, thịt đỏ, lòng đỏ trứng, da động vật,... Đồng thời tăng cường ăn cá, thực phẩm có tác dụng giảm mỡ máu như tỏi ta, giá đỗ, cà chua,...
Thảo Nguyên (TH)