Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát: Lời cảnh tỉnh cho thế giới?

Google News

Theo CNN, sự lây lan âm thầm của bệnh đậu mùa khỉ dẫn tới đợt bùng phát hiện nay có thể là lời cảnh tỉnh cho thế giới.

CNN đưa tin, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay ở những quốc gia thường không phát hiện virus này khiến giới chức y tế toàn cầu phải cảnh giác cao độ.
Tính đến ngày 2/6, hơn 643 ca mắc đã được ghi nhận ở hàng chục quốc gia nơi bệnh đậu mùa khỉ vốn không phải là bệnh đặc hữu.
"Sự xuất hiện đột ngột của bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia cùng lúc cho thấy có thể đã có sự lây lan âm thầm, không được phát hiện trong một thời gian", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ngày 2/6.
Benh dau mua khi bung phat: Loi canh tinh cho the gioi?
 Ảnh minh họa: CNN. 
Virus đậu mùa khỉ đã lưu hành trong nhiều thập kỷ ở một số nơi, bao gồm cả các vùng của Tây và Trung Phi. Trong nghiên cứu đầu tiên được công bố vào tuần này, các nhà khoa học tại Viện Sinh học Tiến hóa tại Đại học Edinburgh (Scotland) đã mô tả cách thức lây truyền mà họ chứng kiến, nhận thấy rằng "đã có sự lây truyền từ người sang người ít nhất là từ năm 2017".
Trong nghiên cứu này, trình tự gen cho thấy các ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vào năm 2022 dường như bắt nguồn từ một đợt bùng phát gây ra các ca bệnh ở Singapore, Israel, Nigeria và Vương quốc Anh từ năm 2017 đến năm 2019.
"Đợt bùng phát này đã diễn ra trong một thời gian dài, giống như ở nơi mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu. Và điều đó có nghĩa là thế giới đã thất bại trong việc bảo vệ cộng đồng ở những khu vực hạn chế tài nguyên, nơi virus này là loài đặc hữu, cũng như không thể ngăn chặn virus gây bệnh ở nguồn lây trước khi lan truyền ra toàn cầu", Michael Worobey, một nhà sinh học tiến hóa và là giáo sư tại Đại học Arizona (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu, bình luận.
"Đó thực sự là hai đợt bùng phát. Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến những nơi mà bệnh này đang lan rộng" Worobey nói tiếp.
Nếu nghiên cứu tiếp tục cho thấy virus đã lây lan giữa con người nhiều hơn so với những gì trước đây chúng ta dự đoán, câu hỏi đặt ra là: "Tại sao thế giới không nghĩ bệnh đậu mùa khỉ có thể trở thành bệnh đặc hữu ở những nơi ngoài Tây và Trung Phi?".
Nhà dịch tễ học Anne Rimoin, đến từ Trường Y tế Công cộng Fielding UCLA, đã nghiên cứu bệnh đậu mùa khỉ trong khoảng hai thập kỷ và từ lâu đã cảnh báo rằng sự lây lan của bệnh này ở những nơi như Cộng hòa Dân chủ Congo có thể gây ra những tác động lớn hơn đến sức khỏe toàn cầu.
"Nếu bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở nơi có động vật hoang dã ngoài Châu Phi, sự thất bại của sức khỏe cộng đồng sẽ khó đảo ngược", giáo sư Rimoin từng cảnh báo vào năm 2010.
Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ mới nhất đang khiến giới khoa học khó dự đoán, một phần vì chúng ta chưa thể truy ra nguồn gốc đầy đủ của nó.
"Chúng ta thậm chí không biết bệnh đã lây lan trong bao lâu. Nó có thể đã âm thầm lây truyền trong một thời gian", Rimoin nói.
"Nguy cơ sức khỏe cộng đồng có thể trở nên cao nếu loại virus này có thể lây bệnh cho người và lây lan sang các nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn như trẻ nhỏ và những người bị ức chế miễn dịch", theo đánh giá rủi ro của WHO.
Một khi lây truyền giữa những loài vật này, virus có thể lây ngược trở lại cho con người, chẳng hạn những người tiếp xúc với các loài gặm nhấm như sóc hay chuột lang bị mắc bệnh.
Nếu tiếp tục chứng kiến tình trạng lây nhiễm từ người sang người trong đợt bùng phát hiện nay, dù ở mức độ thấp, khả năng lây lan virus trở lại cho động vật ở những quốc gia mà đậu mùa khỉ không phải bệnh đặc hữu ngày càng hiện hữu và trở thành mối đe dọa khác biệt.
Sự lây truyền như vậy có thể cho phép virus tồn tại trong môi trường, nhảy giữa động vật và con người theo thời gian.
"Trong quá khứ, từng xảy ra trường hợp đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ tự chấm dứt sau chuỗi lây ngắn ngày qua người", chuyên gia Rimoin cho biết. 
Dù các nhà khoa học đã biết về bệnh này từ nhiều thập kỷ trước, nhưng đợt bùng phát mới xảy ra ở những địa điểm mới cho thấy giới chuyên gia cần tiếp tục nghiên cứu kỹ về virus gây bệnh đậu mùa khỉ.
“Chúng ta biết rất nhiều về loại virus gây bệnh đậu mùa khỉ, nhưng không phải tất cả. Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu điều này rất cẩn thận", bà Rimoin nói. 
Tại Mỹ, trong một cuộc họp báo vào tuần trước, một quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ nói rằng còn "quá sớm để nói" liệu đậu mùa khỉ có thể trở thành bệnh đặc hữu ở nước này hay không, nhưng các chuyên gia vẫn "hy vọng" điều đó sẽ không xảy ra.

Mời độc giả xem thêm video: TP.HCM lên kịch bản ứng phó bệnh đậu mùa khỉ (Nguồn video: THĐT)

An An