Lạ lùng ốm nghén mà chẳng mang thai
Mải công việc, lại khó tính nên 32 tuổi, chị Hoài Anh mới lập gia đình. Hai năm sau ngày cưới, dù không hề tránh thai nhưng chị vẫn chưa được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ.
Chị từng có thai, nhưng bị ra máu kéo dài. Sau khi thăm khám cho chị, bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh “chửa trứng” chứ sự thực chẳng có thai nhi nào trong bụng cả.
Nghe bác sĩ nói, chị Hoài Anh ôm mặt khóc nức nở. Vì rõ ràng que thử thai hiện lên hai vạch căng đét, rồi chị cũng ốm nghén tùm lum. Cả nhà ăn mừng, chồng chị còn rối rít gọi điện thông báo khắp họ hàng vợ “có tin vui”.
|
Chửa trứng khiến bánh rau bị thoái hóa thành túi dịch to, nhỏ, thành chùm như chùm nho. Ảnh minh họa. |
Đối mặt với chỉ định nạo hút “thai trứng” sớm để bảo tồn tử cung, chị cảm thấy buồn vô hạn.
“Tôi rất hoang mang, chưa hiểu bệnh lạ này như thế nào, có nguy hiểm không và nguyên nhân do đâu. Nghe bác sĩ nói sau nạo hút phải nghỉ ngơi hai năm sau mới nên tiếp tục có con, trong khi tôi đã lớn tuổi, cơ hội không còn nhiều”, chị Hoài Anh buồn rầu nói.
Nói về căn bệnh này, BSCK II.Ths Nguyễn Thị Hương Linh, Trưởng Đơn nguyên Nội trú sản, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City lý giải: “Chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường. Trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như chùm nho chiếm toàn bộ diện tích tử cung, lấn át sự phát triển của bào thai”.
Chính vì thế, người mẹ lầm tưởng mình có thai khi thấy bụng to lên nhanh chóng, tắt kinh, ốm nghén, thậm chí có tới 30% bị ốm nghén nặng.
Chửa trứng hoàn toàn không có tổ chức thai nhi, các gai rau phình to, lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh mẽ.
Còn chửa trứng bán phần có thai nhi hay một phần thai nhi. Phần lớn gai rau biến thành túi nước, còn một phần gai rau bình thường.
“Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây chửa trứng. Chỉ mới đưa ra được một vài yếu tố ảnh hưởng như sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh dẫn đến bất thường ở bộ nhiễm sắc thể.
Khoảng 90% trường hợp thai trứng bắt nguồn từ người cha và 10% từ người mẹ. Chửa trứng thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi hoặc dưới 20 tuổi.
Ngoài ra, yếu tố dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, acid folic, vitamin A, người mẹ có những bất thường ở tử cung là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây nên chửa trứng”, Bác sĩ Hoài Linh cho biết.
Chửa trứng nguy hiểm thế nào?
Triệu chứng quan trọng đầu tiên, chiếm đến trên 90% các trường hợp chửa trứng là ra máu âm đạo, màu sẫm đen hoặc đỏ loãng kéo dài.
Với siêu âm, bác sĩ có thể chẩn đoán chửa trứng sớm. Chửa trứng lành tính nhưng có thể gây hệ lụy khó lường nếu người mẹ không được theo dõi và xử lý sớm. Biến chứng nguy hiểm khi chửa trứng ăn sâu vào lớp cơ tử cung, và gây thủng tử cung, chảy máu trong ổ bụng.
|
Thấy ra máu bất thường, người mẹ cần đi khám để kịp thời phát hiện và xử lý sớm. Ảnh minh họa. |
Ước tính có khoảng 30% ca chửa trứng có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí là biến chứng ác tính thành ung thư tế bào nuôi.
“Cách an toàn và nhanh nhất để phát hiện chửa trứng là đi khám thai định kì theo khuyến cáo và khi có bất kì triệu chứng bất thường, từ đó tránh tai biến đáng tiếc xảy ra.
Khi đã chẩn đoán chửa trứng, người mẹ cần được tiến hành nong nạo hoặc hút trứng càng sớm càng tốt.
Với người mẹ không muốn có con hoặc trên 40 tuổi và trường hợp chửa trứng xâm lấn làm thủng tử cung, cần áp dụng phẫu thuật cắt tử cung toàn phần.
Chị em cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe trong vòng 2 năm sau khi điều trị chửa trứng. Trong thời gian này, cần có biện pháp ngừa thai phù hợp để đảm bảo sức khỏe, sẵn sàng cho lần mang thai tiếp theo”, Bác sĩ Hương Linh khuyến cáo.
Theo Thu Hà/Emdep