|
Ảnh minh họa |
Đêm ngày 04/11/2018, Khoa Phụ, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân Giang Thị N.(43 tuổi), thường trú tại Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau bụng, da xanh tái, niêm mạc nhợt…
Qua thăm khám, thấy bụng cơ chướng, tức bụng, ấn đau, bác sĩ nghĩ đến bệnh nhân bị chửa ngoài tử cung vỡ.
Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy tử cung có kích thước to, có hình ảnh khối chửa ngoài tử cung bên phải, tương đương thai 12 tuần, kích thước túi thai khoảng 68x47mm, xung quanh có nhiều máu cục và dịch tự do.
Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ khối chửa ngoài tử cung bên phải, tiên lượng bệnh nhân nặng cần phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu và truyền máu ngay để giữ tính mạng bệnh nhân.
Trong quá trình phẫu thuật mổ nội soi, quan sát thấy máu tràn ngập trong ổ bụng, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cặp, cắt khối chửa ngoài tử cung để cầm máu và lấy ra khoảng hơn 1.000 ml máu đông lẫn máu đỏ tươi ngập trong ổ bụng của bệnh nhân.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung – Giám đốc phòng khám sản khoa Hoàng Gia, TP.HCM; thai ngoài tử cung là bệnh lý nguy hiểm.
Bác sĩ Trung cho biết, bình thường tinh trùng và trứng gặp nhau ở một phần ba của vòi trứng, phôi thai hình thành được vận chuyển từ vòi trứng vào lòng tử cung.
Với những bất thường ở vòi trứng hoặc vùng chậu, phôi thai không thể được “vận chuyển” tới đúng vị trí của nó ở lòng tử cung mà có thể ở các vị trí khác như ở vòi trứng, buồng trứng, ổ bụng, phúc mạc chậu. Đặc biệt, có những trường hợp phôi thai làm tổ ở vùng gan hoặc ở những vị trí rất xa như cổ tử cung… Đây là những trường hợp hiếm gặp, rất khó chẩn đoán.
Trong thời đại tỷ lệ mổ sinh rất nhiều, một khái niệm mới được đưa vào trong y văn là thai ngoài tử cung ở vết mổ cũ. Phôi thai khi được vận chuyển vào trong lòng tử cung, thay vì làm tổ ở trong lòng tử cung thì lại làm tổ ở vị trí khác là sẹo mổ sinh cũ ở tử cung. Khi phôi thai lớn lên, bánh nhau có khuynh hướng ăn sâu vào sẹo vết mổ sinh dẫn đến nhau cài răng lược, rất nguy hiểm.
Ngoài ra, còn có những trường hợp thai ngoài tử cung ở vị trí đặc biệt như ở sừng tử cung (hay góc tử cung). Góc tử cung là nơi được mạch máu nuôi rất nhiều nên khi thai ở vị trí này vỡ, dễ bị xuất huyết ồ ạt, mất máu nhiều và nhanh, bệnh nhân có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Thai ngoài tử cung có lúc dễ chẩn đoán (nhất là khi đã vỡ) nhưng có lúc lại khó chẩn đoán (thai ngoài tử cung chưa vỡ).
Bác sĩ Trung cho biết để chẩn đoán chính xác được, cần phối hợp giữa khám lâm sàng kết hợp với siêu âm, thử máu để xem nồng độ beta hCG (nhiều lúc phải xét nghiệm và siêu âm vài lần) và dựa vào động lực học của beta hCG để chẩn đoán.
Về nguyên nhân dẫn đến thai ngoài tử cung, bác sĩ Trung cho biết tất cả các nguyên nhân dẫn đến tổn thương vòi trứng đều có thể dẫn đến căn bệnh này. Đó là những người có tiền sử viêm nhiễm cổ tử cung, viêm tử cung, viêm vòi trứng, viêm vùng chậu do lậu cầu hoặc Chlamydia trachomatis…
Những bệnh lý này tạo thành sẹo ở ống dẫn trứng, ảnh hưởng đến đường đi của phôi thai vào lòng tử cung, dẫn đến thai ngoài tử cung.
Những người có quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, nạo phá thai nhiều lần, bị lây các bệnh qua đường tình dục, những người bị lạc nội mạc tử cung, những người có tiền sử thai ngoài tử cung là nhóm đối tượng dễ mang thai ngoài tử cung.
Việc điều trị có thai ngoài tử cung, theo Tiến sĩ Trung, hiện có hai phương pháp điều trị là điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) và phẫu thuật tùy theo kích thước khối thai ngoài tử cung, nồng độ beta hCG, thai ngoài tử cung đã vỡ hay chưa.
Theo K.Ngọc/ Infonet