Trường hợp bệnh nhân 61 tuổi ung thư hạch giai đoạn cuối đã khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 từng được truyền thông Anh đưa tin vào tháng 4/2021. Được biết, bệnh nhân này, đến từ Cornwall, đã đi kiểm tra sức khỏe vào mùa hè năm 2020 và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch Hodgkin - một loại ung thư máu ảnh hưởng đến khoảng 2.100 người ở Anh mỗi năm.
Chỉ vài ngày sau khi nhận chẩn đoán, bệnh nhân nhập viện do mắc COVID-19 nặng. Sau khi hồi phục, ông được tái kiểm tra ung thư và phát hiện rằng các khối u nằm rải rác trên cơ thể của ông vài tuần trước gần như biến mất.
Theo Telegraph, trường hợp của bệnh nhân này có xảy ra nhưng cực kỳ hiếm, chỉ vài chục người được ghi nhận trên thế giới.
|
Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Một báo cáo trên tạp chí y khoa Acta Biomedica của Italy hồi năm 2020 cũng đề cập đến trường hợp một bệnh nhân ung thư hạch khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19.
Bác sĩ tại Bệnh viện Cremona cho biết, bệnh nhân 20 tuổi từng tái phát nhiều lần và không đáp ứng với phương pháp hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, sau khi mắc COVID-19, bệnh nhân mệt mỏi 5 ngày, sốt và ho khi cơ thể cố gắng chống lại virus.
Và sau vài tuần, cũng giống như người đàn ông ở Corwall, kết quả cho thấy bệnh ung thư ở thanh niên 20 tuổi này biến mất kỳ diệu.
Tiến sĩ Sarah Challoner, một trong những bác sĩ điều trị ung thư tại Bệnh viện Hoàng gia Cornwall ở Truro, cho biết trong báo cáo được công bố: "Chúng tôi nghĩ rằng COVID-19 đã kích hoạt phản ứng miễn dịch chống khối u".
Theo đó, các tế bào chống nhiễm trùng, được gọi là tế bào T, được giải phóng trên quy mô lớn bởi hệ thống miễn dịch để cố gắng loại bỏ coronavirus cũng tấn công các tế bào ung thư mà nó coi là "ngoại lai".
Còn Martin Ledwick đến từ Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, thận trọng: "Ở giai đoạn này, còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào từ những trường hợp này. Đó hoàn toàn có thể là một sự trùng hợp".
Trong khi đó, Tiến sĩ Jonathan Friedberg đến từ Trung tâm Y tế Đại học Rochester (Mỹ) cho biết ung thư bạch huyết đôi khi tự khỏi. Tuy nhiên, các phản ứng nhất định của hệ miễn dịch cũng có thể giúp quét sạch tế bào (ung thư) trong cơ thể.
"Chúng tôi không chắc chắn 100% về điều này. Đối với nhiều loại ung thư bạch huyết, có báo cáo về trường hợp tự thuyên giảm hoặc khỏi bệnh. Tuy nhiên, khối u bạch huyết thường nghiêm trọng hơn, ít xảy ra hiện tượng tự thuyên giảm. Phát hiện mới khá bất ngờ và thú vị", vị chuyên gia nói với Forbes.
Chuyên gia Jonathan Friedberg cho rằng phát hiện này có thể mở ra cánh cửa mới trong việc nghiên cứu điều trị ung thư.
Tiến sĩ Jonathan nhấn mạnh rằng ung thư hạch là một bệnh ung thư của hệ thống miễn dịch, và thường được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.
Cái gọi là "cơn bão cytokine" (ở người mắc COVID-19) có thể đã kích hoạt hệ miễn dịch và ảnh hưởng trực tiếp đến căn bệnh ung thư.
"Phản ứng cytokine quá lớn có thể kích hoạt cả khả năng miễn dịch không đặc hiệu khác, dẫn đến sốt và nhiều triệu chứng khó chịu. Lượng cytokine cao có thể ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh ung thư", tiến sĩ Jonathan Friedberg nói.
Tuy vậy, chuyên gia Friedberg lưu ý đa phần các bệnh nhân ung thư vẫn có lý do để lo sợ mắc phải COVID-19, không chỉ vì họ bị suy giảm miễn dịch. Nhiều bệnh viện quá tải đã từ chối bệnh nhân ung thư đến điều trị.
"Bất kỳ ai đang điều trị ung thư nên tiếp tục làm theo lời khuyên của bác sĩ, cũng như bảo vệ bản thân khỏi nhiễm COVID-19. Và chúng tôi khuyến khích tất cả những ai có thể tiêm vắc xin", Martin Ledwick khuyến cáo.
An An