Bệnh nhân người Nga tắt hy vọng về ca phẫu thuật ghép đầu

Google News

Người đàn ông tình nguyện trở thành “vật thí nghiệm” cho ca phẫu thuật cấy ghép đầu đầu tiên trên thế giới năm nay đã thừa nhận rằng giấc mơ của anh sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Theo Daily Mail, Valery Spiridonov, một người đàn ông Nga 31 tuổi với nhiều khuyết tật nghiêm trọng về thể chất, giờ đây đã chấp nhận rằng những hy vọng của anh về việc được cấy ghép vào một cơ thể khỏe mạnh mới đã cạn kiệt.
Bác sỹ phẫu thuật thần kinh gây nhiều tranh cãi Sergio Canavero - hay còn mệnh danh là “bác sỹ Frankenstein” - đã thề sẽ tiến hành ca cấy ghép đầu đầu tiên ở Trung Quốc với một bệnh nhân địa phương hiện vẫn chưa được tiết lộ danh tính.
Benh nhan nguoi Nga tat hy vong ve ca phau thuat ghep dau
Valery Spiridonov. (Nguồn: Daily Mail) 
Theo ông, bước đầu tiên trong kế hoạch đã diễn ra thành công ở Trung Quốc vào thứ Sáu vừa qua: Ca phẫu thuật cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới đã được tiến hành trên 2 thi thể.
Tuy nhiên, Spiridonov, người đã làm việc với giáo sư Canavero trong suốt 2 năm và trở thành gương mặt đại diện cho hy vọng về phẫu thuật cấy ghép đầu người - đã thừa nhận rằng giờ đây anh đã mất đi hy vọng có được một cơ thể mới không khuyết tật.
Mời độc giả xem video Kỳ tích phẫu thuật ghép đầu thành công cho bé 16 tháng tuổi (Nguồn: Truyền hình Bình Dương):
Anh mắc chứng bệnh Werdnig-Hoffman, một dạng teo cơ cột sống. "Vì không thể dựa vào đồng nghiệp người Italy của mình, tôi phải tự chăm lo cho sức khỏe của bản thân,” anh cho biết trong lời bình luận đầu tiên của mình về quyết định tiến hành phẫu thuật với một bệnh nhân người Trung Quốc của bác sỹ Canavero.
Bệnh nhân đến từ Nga này giờ đây sẽ tìm đến các phương thức phẫu thuật cột sống thông thường để cải thiện cuộc sống của mình, thay vì tham gia một thử nghiệm y khoa mà các chuyên gia y tế đã cảnh báo rằng nguy cơ tử vong là rất cao.
"May thay, có một ca phẫu thuật được đảm bảo khá cao cho các trường hợp như của tôi, trong đó một chi tiết bằng thép sẽ được cấy ghép nhằm chống đỡ cho cột sống ở tư thế thẳng,” Spiridonov cho biết.
 
"Có một vài nơi ở Nga thực hiện loại phẫu thuật này. Nó giúp thở dễ hơn và hỗ trợ việc đi lại trên các phương tiện công cộng, hay đơn giản là việc ngồi.”
"Ca phẫu thuật sẽ không khôi phục được các cơ khỏe và sẽ không cho phép tôi đi bộ được, nhưng sẽ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của tôi.”
Anh hy vọng có thể dựa vào hình thức ủng hộ từ cộng đồng để có được số tiền khoảng 32.000 bảng Anh mà anh cần cho ca phẫu thuật này, thay vì con số 12 triệu bảng được dự kiến cho ca phẫu thuật ghép đầu.
Trước đây, Spiridonov từng lập luận rằng điều quan trọng là người ta phải dám đứng ra thực hiện một loại phẫu thuật mới có thể cách mạng hóa cuộc sống con người. Anh từng nói: “Nếu muốn làm được điều gì đó, bạn cần tham gia làm nó. Tôi hiểu về những rủi ro của ca phẫu thuật. Có rất nhiều rủi ro.”
Giờ đây, anh chia sẻ: “Tôi có cảm thấy bị xúc phạm không ư? Không hề. Tôi rất biết ơn Canavero. Nhờ những nỗ lực chung của chúng tôi, rất nhiều điều đang thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, và với cả tôi nữa.”
Anh thừa nhận: “Tôi cảm thấy như được trút bỏ gánh nặng. Động lực thúc đẩy tôi chưa bao giờ là việc trở thành người đầu tiên. Tôi đã dành 2 năm cuộc đời mình cho dự án này. Tôi sẽ rất mừng nếu được chứng kiến điều đó xảy ra với một ai đó dù không phải mình.”
Anh từng hy vọng một ca cấy ghép đầu sẽ giúp anh có được “một cuộc sống độc lập giống như những người khác,” nhưng anh cũng thừa nhận rằng do quyết định tiến hành phẫu thuật ở Trung Quốc của bác sỹ Canavero, tương lai của anh sẽ là tương lai của một người khuyết tật. "Nhưng tôi đã quen với cuộc sống như vậy rồi.”
Bằng việc trở thành “trung tâm của sự chú ý của thế giới trong một thời gian dài,” cuộc sống của anh đã trở nên phong phú và giàu có hơn, và anh đã tham gia một vài dự án khoa học.
Benh nhan nguoi Nga tat hy vong ve ca phau thuat ghep dau-Hinh-2
Bác sỹ Sergio Canavero. (Nguồn: Getty Images) 
Theo anh, bác sỹ Canavero “đã thay đổi rất nhiều điều cho tôi và đem lại cho tôi một số khả năng mới mà tôi thấy rất vui khi có thể vận dụng chúng.” Anh cho biết: “Tôi là một thành viên của ê-kíp nghiên cứu để tạo ra hệ thống robot hỗ trợ đầu tiên trên thế giới, mà sẽ giúp đỡ con người trong việc vận chuyển các vật có khối lượng lớn.
“Tôi cũng đang nghiên cứu phát triển một loại xe lăn thông minh, do đó cuộc sống của tôi rất đủ đầy và bận rộn ngay cả khi không chuẩn bị cho một ca phẫu thuật cấy ghép đầu gây tranh cãi.
"Mọi việc như vậy là tốt nhất. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi có một người bạn gái và chúng tôi dành rất nhiều thời gian đi cùng với nhau.”
Vị bác sỹ người Italy tin rằng hy vọng lớn nhất của ông trong việc tìm nguồn tài trợ cho ca cấy ghép nằm ở Trung Quốc, nơi ông đang làm việc với người đồng nghiệp Ren Xiaoping đến từ Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân.
Ca phẫu thuật với bệnh nhân sống được dự kiến sẽ diễn ra ở Trung Quốc vào tháng 12, chủ yếu vì Mỹ và châu Âu đã từ chối cho phép tiến hành nó trên lãnh thổ của họ. Các chuyên gia y tế phản đối việc thực hiện ca mổ và cho rằng chưa có đủ các nghiên cứu và thử nghiệm để tiến hành phẫu thuật, đồng thời nêu ra những lý do về đạo đức cũng như khả năng gây ra “cảm giác đau đớn kinh khủng” cho bệnh nhân.
Theo My Nguyễn/Vietnamplus