Nam diễn viên Đức Thịnh, sinh năm 1982, được nhiều người nhớ đến với vai diễn Sơn Sọ trong "Đội đặc nhiệm nhà C21". Anh phát hiện bị bệnh ung thư hạch vào đúng ngày sinh nhật của con trai vào cuối tháng 3 vừa qua.
Khi phát hiện có khối u sưng to ở cổ, diễn viên Đức Thịnh đã vào viện khám. Sau khi xét nghiệm ở vài nơi, anh nhận kết quả bị ung thư hạch vào ngày 25/3. Tới nay, nam diễn viên đang sống ở Hà Nội đã trải qua 4 lần truyền hóa chất.
Diễn viên Đức Thịnh lạc quan dù đang mắc bệnh. Anh tổ chức đêm nhạc Tình K gây quỹ cho bệnh nhân ung thư.
Ung thư hạch nguy hiểm thế nào?
Đây là một nhóm ung thư tại hạch bạch huyết của cơ thể. Bệnh khó điều trị vì dấu hiệu giai đoạn đầu không rõ ràng nên người bệnh không biết để điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, tỷ lệ bình phục và sống thêm nhiều năm cao.
|
Diễn viên Đức Thịnh đang bị ung thư hạch giai đoạn 2. |
Trong cơ thể có khoảng 500-600 hạch bạch huyết, phổ biến ở cổ, nách, bẹn… Trong hệ miễn dịch, hạch bạch huyết có chức năng lọc hoặc giữ lại các phần tử ngoại lai. Hạch bị sưng là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh từ viêm họng cho tới ung thư.
Ung thư hạch gồm nguyên phát (lymphoma) hoặc thứ phát từ các vị trí khác di căn tới hạch (ung thư phổi, dạ dày, đại tràng…).
Nếu là ung thư từ vị trí khác lan sang, hiệu quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn và trạng thái của vị trí nguyên phát.
Trong khi đó, lymphoma có hai dạng là u lympho Hodkin và không Hodkin. Hai loạn này có triệu chứng lâm sàng tương đối giống nhau (sưng hạch, mệt mỏi, sút cân…).
Tuy nhiên, u lympho Hodgkin có thể khởi phát từ một hoặc nhiều hạch bạch huyết, ở những bộ phận phía trên của cơ thể như cổ, ngực hoặc nách. Trong khi đó, u lympho không Hodgkin thường xuất phát ở ngoài hạch và ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, thường gặp ở bụng, trong ống tiêu hóa.
Mời độc giả theo dõi video "Nhiều hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư". Nguồn: VTC14.
Tùy vào từng loại ung thư hạch và giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra lộ trình chữa khác nhau như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, ghép tế bào gốc.
Bệnh ung thư hạch nếu phát hiện sớm thì tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 90%, nếu phát hiện muộn, tỷ lệ này còn 60-70%.
Theo Giáo sư Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K trung ương - Phó Chủ tịch hội ung thư Việt Nam cho biết, ung thư hạch là một loại ung thư nhạy cảm với nhiều loại thuốc, xạ trị có tiên lượng tốt so với các loại ung thư khác. Bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, khả năng điều trị thành công là trên 80%. Sau khi khỏi bệnh cần tái khám theo lịch của bác sĩ.
Mặc dù bệnh ung thư hạch không có dấu hiệu rõ ràng ban đầu nhưng mọi người cần chú ý với biểu hiện dễ nhận thấy nhất là: Giảm cân đột ngột không rõ nguyên nhân; Thường xuyên sốt cao kéo dài; thiếu máu, mệt mỏi, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm; nổi hạch ở cổ, nách hay bẹn… Hạch ở vùng cổ gây sưng đau, hoặc hạch tồn tại lâu ngày không biến mất cũng cần chủ động đi khám chuyên khoa sớm để chẩn đoán chính xác nhằm điều trị đúng hướng.
Ngoài các dấu hiệu báo động trên, còn có thể áp dụng biện pháp chiếu chụp, xét nghiệm, xét nghiệm chất chỉ điểm khối u. Nếu xét nghiệm cho thấy chỉ số tăng vọt lên nhiều lần, bạn có khả năng mắc ung thư cao.
Thảo Nguyên (TH)