Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng được xây dựng hiện đại, trang thiết bị y tế đạt chuẩn, nhưng bệnh nhân không được đến điều trị bởi vướng về cơ chế quản lý, mà lý do xuất phát từ sự sở hữu bất hợp lý hiện nay... Cần trả lại bệnh viện cho người dân.
Chỉ có người nghèo đến chữa trị
Bệnh viện Ung thư (BVUT) Đà Nẵng được đánh giá là lớn, đẹp và hiện đại nhất Việt Nam, tương đương với các BV lớn ở Thái Lan, Singapore… BV được thiết kế theo mô hình bệnh viện khách sạn với cảnh quan hài hòa, tiện nghi và thân thiện. Mọi phòng bệnh đều có phòng vệ sinh riêng, hệ thống điều hòa trung tâm và hệ thống khí trung tâm là điều mà không phải bệnh viện nào cũng có. Ngoài ra còn dành một khu nhà nghỉ gần 50 phòng để người nhà bệnh nhân có điều kiện nghỉ ngơi.
Bệnh viện còn có hệ thống trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu khám-chữa bệnh ung thư như: Máy CT-scan đa lá cắt, máy MRI 3,0T, máy tăng sáng truyền hình, máy siêu âm màu 4 chiều, máy nội soi can thiệp, máy đếm tế bào tự động 40 thông số, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy cắt lạnh, hệ thống phân tích gene…
|
Bệnh nhân ung thư tại BVUT 2 nhận quà. Ảnh: T.Hải |
Hiện nhiều máy móc khá hiện đại chưa phát huy hết công năng. Trong khi đó, hệ thống y tế quận, huyện tại Đà Nẵng hiện không gửi bệnh nhân đến đây được vì BVUT không thuộc hệ thống công lập. Được biết, hiện mức lương của hộ lý, y-bác sĩ chưa đảm bảo.
GS-TS Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam - nói, nếu muốn BVUT phát triển bền vững, tạo được thương hiệu ở trong nước và khu vực, cần phải chuyển đổi mô hình quản lý là bệnh viện công, có thể trực thuộc Bộ Y tế, hoặc là bệnh viện nhóm 1 thuộc Sở Y tế TP.Đà Nẵng. “Chuyển sang bệnh viện công lập thì chúng ta sẽ tránh được tình trạng chia năm xẻ bảy, nhiều nơi cùng chữa ung thư. Bệnh viện Đà Nẵng có thế mạnh đội ngũ cán bộ, bên này có thế mạnh về cơ sở vật chất.
Và như vậy, người nghèo hay giàu đều vào đây chữa bệnh. Lúc đó người giàu sẽ có đóng góp và nhờ đó hỗ trợ được người nghèo chứ như hiện nay: Chủ yếu chỉ chữa cho bệnh nhân nghèo và giai đoạn nặng thì đến lúc nào đó cũng không tồn tại được” - ông Đức nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Vũ Hùng - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND thành phố - cho rằng, cần xác định rõ mô hình hoạt động của BVUT theo hướng là bệnh viện công lập, còn giao cho Bộ Y tế hay Sở Y tế quản lý thì đều được.
Trả lại bệnh viện cho nhân dân
Ông Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng - cho biết: “Từ khi thành lập BVUT đến nay, chúng tôi luôn theo dõi và hỗ trợ, nhất là vận động các y-bác sĩ ở nhiều bệnh viện công và một số bác sĩ đã nghỉ hưu về BVUT nhằm bổ sung nguồn nhân lực”. Như vậy, ngoài việc đầu tư ngân sách, Nhà nước còn hỗ trợ tối đa về nhân lực cho BV này. Trong khi đó, mong muốn của người dân là hãy trả BVUT về sở hữu nhà nước để họ được điều trị.
Ông Nguyễn Hoàng Long - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - cho biết, Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh chưa đủ năng lực quản lý bệnh viện. Theo tôi, coi BVUT là cơ sở y tế ngoài công lập là một sự nhầm lẫn hoặc cố tình gọi tên một cách không chính xác. Kinh phí đầu tư cho BVUT (chưa kể tiền đất) hầu hết là từ ngân sách, nhân sự phần nhiều cũng trong biên chế nhà nước. T
Thực tế cho thấy, với mô hình quản lý không rõ ràng như BVUT hiện nay thì nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về nghiệp vụ ai chịu trách nhiệm chỉ đạo? Không thể nói xã hội đóng góp tiền và hội vận động tài trợ vào thì chịu trách nhiệm, bởi các nhà hảo tâm và hội không phải nhà chuyên môn nên không thể chỉ đạo và quyết định những vấn đề chuyên môn nghiệp vụ. Tôi nghĩ, hội không nên là một cơ quan quản lý bệnh viện vì không phù hợp với chức năng và trong tình hình hiện nay cũng chưa đủ năng lực và điều kiện để quản lý, đặc biệt là đối với một lĩnh vực điều trị đặc thù như bệnh ung thư.
Nên giao về Trung ương (Bộ Y tế) quản lý vì sẽ có sự đầu tư tốt hơn về quản lý, kinh phí, chuyên môn, thiết bị, nhân lực để chữa bệnh cho người dân khu vực miền Trung” - ông Long nói. Bà Hồ Thị Xuân Hiệp - nguyên Cục trưởng Cục Thuế TP.Đà Nẵng - nói, tôi ủng hộ phương án chuyển đổi mô hình quản lý BVUT Đà Nẵng về công lập, bởi chỉ có chuyển đổi về công lập mới đảm bảo về vấn đề tài chính để phát triển lâu dài và đúng với mục đích ban đầu của nó.
Theo Lao động