Bệnh xơ gan Hưng Kính mắc gây tử vong dễ thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - "Ông trùm bảo kê" Hưng Kính nhập viện trong tình trạng xơ gan nặng và tử vong trưa nay (14/8). Căn bệnh xơ gan mất bù giai đoạn cuối của Hưng Kính điều trị rất khó và dễ tử vong.

Theo lãnh đạo Bệnh viện, bệnh nhân Hưng Kính được cán bộ trại giam đưa vào nhập viện lúc 0h10 phút sáng 14/8 và được chẩn đoán xơ gan mất bù giai đoạn cuối.
Benh xo gan Hung Kinh mac gay tu vong de the nao?
 Căn bệnh xơ gan mất bù giai đoạn cuối của Hưng điều trị rất khó và dễ tử vong. 
Căn bệnh xơ gan mất bù giai đoạn cuối khiến Hưng Kính tử vong hay còn gọi xơ gan cổ trướng là một tình trạng bệnh khá nặng. Xơ gan còn bù là tình trạng chưa có triệu chứng rõ rệt và người bệnh chưa quan tâm. Tới giai đoạn mất bù thì triệu chứng rầm rộ và điều trị trở nên khó khăn.
Xơ gan do nhiều nguyên nhân gây ra sẽ phát triển qua 2 giai đoạn gồm xơ gan còn bù và xơ gan mất bù. Người bệnh ở mỗi giai đoạn sẽ có triệu chứng khác nhau, trong đó xơ gan mất bù hay còn gọi là xơ gan cổ trướng là giai đoạn cuối của xơ gan. Khi này tình trạng người bệnh rất nghiêm trọng, diễn tiến theo chiều hướng xấu do gan không thực hiện được chức năng giải độc, khiến cơ thể bị nhiễm độc.
Bệnh xơ gan mất bù (giai đoạn cuối của bệnh xơ gan), lá gan không còn khả năng tự phục hồi và mất dần chức năng. Lúc này bệnh tình đã rất nghiêm trọng, diễn tiến khá phức tạp theo chiều hướng xấu. Khi đó, gan không thực hiện được chức năng giải độc, từ đó toàn bộ cơ thể sẽ bị nhiễm độc, các biểu hiện rõ rệt như:
Bệnh nhân uể oải, mệt mỏi chỉ muốn nằm một chỗ, giảm cân, da khô, sắc mặt kém, thiếu máu, quáng gà, viêm lưỡi, viêm phù dây thần kinh. Ngoài ra, người bệnh có thể sốt nhẹ do tế bào gan bị hoại tử, mất đi chức năng giải độc khiến chất độc tấn công cơ thể.
Giai đoạn cuối xuất hiện vàng da, vàng mắt do tế bào gan bị tổn hại nặng hoặc do bệnh đã chuyển thành ung thư gan.
Nhiều trường hợp bị đau ở khu vực gan, đau liên tục hoặc đau dữ dội. Bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu vì cơ hoành bị tổn thương và có thể bị đau vai phải. Trong thời gian chuyển sang giai đoạn ung thư, có thể xuất hiện cơn đau đột ngột. Nếu xuất huyết máu nhiều, có thể khiến bệnh nhân ngất hoặc sốc. Ngoài ra, bệnh nhân xơ gan cổ trướng có thể bị phù gan.
Cơ chế của xơ gan cổ trướng là do tăng áp tĩnh mạch cửa, ngoài ra còn do các yếu tố khác như giảm áp lực keo, giảm sức bền thành mạch, yếu tố giữ muối và nước.
Với xơ gan còn bù, triệu chứng không đặc hiệu nên một số bệnh nhân vẫn sinh hoạt và lao động bình thường trong một thời gian dài. Nhưng khi xơ gan chuyển sang giai đoạn mất bù thì tiên lượng sống thêm rất ngắn và tùy thuộc vào biến chứng nào xảy ra. Ở giai đoạn này, chắc chắn là chất lượng sống giảm, tuổi thọ giảm và bệnh nhân phải nhập viện nhiều ngày, thời gian tái khám ngắn lại, điều trị tốn kém hơn… Lúc này bệnh đã thực sự trở thành gánh nặng y tế với bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Những biến chứng nguy hiểm của xơ gan mất bù
Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch chủ, tỷ lệ biến chứng này rất cao ở bệnh nhân xơ gan mất bù. Đây là cấp cứu nội và ngoại khoa do đe dọa trực tiếp chức năng sống của bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân cần được cấp cứu sớm, xử trí đúng tại cơ sở chuyên khoa tiêu hóa gan mật có trang bị máy nội soi.
Xuất huyết tiêu hóa do giãn và vỡ tĩnh mạch thực quản, tĩnh mạch phình vị dạ dày. Đây là biến chứng nặng nề và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nhóm xơ gan do rượu. Biến chứng nguy hiểm thứ hai ở nhóm xơ gan do rượu là ung thư gan. Còn xơ gan do virut viêm gan B thì nguyên nhân tử vong hàng đầu là ung thư gan, sau đó là do chảy máu tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản, vỡ tĩnh mạch phình vị dạ dày.
Benh xo gan Hung Kinh mac gay tu vong de the nao?-Hinh-2
Bệnh xơ gan mất bù (giai đoạn cuối của bệnh xơ gan), lá gan không còn khả năng tự phục hồi và mất dần chức năng. 
Biến chứng thứ ba là hội chứng nhiễm trùng, đặc biệt là viêm phúc mạc tự phát. Tình trạng này ở nhóm bệnh nhân xơ gan mất bù mà căn nguyên do rượu khá thường gặp, do bệnh nhân có tình trạng suy giảm sức đề kháng trầm trọng. Từ bệnh lý xơ gan đã suy giảm sức đề kháng, xơ gan có tăng áp lực tĩnh mạch chủ cùng với tình trạng thiểu dưỡng là những yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm phúc mạc tự phát.
Khó khăn trong điều trị
Khi xuất hiện các triệu chứng này, người bệnh phải ngay lập tức điều trị, không được tùy tiện sử dụng thuốc mà phải tuyệt đối tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Mặc dù ở giai đoạn xơ gan cổ trướng - xơ gan mất bù thì khả năng hồi phục cho gan rất khó khăn. Mục đích của việc điều trị là hạn chế tổn thương gan và giảm nguy cơ biến chứng do xơ gan gây ra. Phương pháp tốt nhất là loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh như rượu, thuốc và các hóa chất độc hại cho gan.
Phương pháp điều trị hỗ trợ là chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, bao gồm: Hạn chế ăn chất đạm khi có dấu hiệu phù nề; hạn chế mỡ và có chế độ ăn nhạt; có chế độ ăn nhiều năng lượng và hạn chế chất lỏng (để kiểm soát sự tích lũy dịch lỏng trong cơ thể). Đối với trường hợp tích tụ nước ở bụng (cổ trướng) hay phù nề nặng, người bệnh có thể dùng thuốc lợi tiểu.
Nếu tổn thương gan tiến triển dẫn đến suy gan, bác sĩ có thể chỉ định cấy ghép gan.
Phòng ngừa bệnh xơ gan mất bù
Giảm nguy cơ mắc bệnh xơ gan bằng cách thực hiện các bước sau để chăm sóc gan:
Không uống rượu nếu bị xơ gan. Nếu bị bệnh gan, nên tránh uống rượu bia.
Chế độ ăn uống lành mạnh. Chọn chế độ ăn uống dựa trên thực vật có đầy đủ các loại trái cây và rau quả. Chọn ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc. Giảm lượng chất béo và thực phẩm chiên rán.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Khi có mỡ thừa trong cơ thể có thể làm hỏng gan. Nói chuyện với bác sĩ về kế hoạch giảm cân nếu người bệnh bị béo phì hoặc thừa cân.
Giảm nguy cơ viêm gan. Dùng chung kim tiêm và quan hệ tình dục không an toàn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan B và C. Hỏi bác sĩ về việc tiêm phòng viêm gan.
Tránh ăn thức ăn sống, nên ăn chín uống chín để không bị nhiễm ký sinh trùng.
Sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng ngừa nhiễm hóa chất, phẩm màu độc hại gây tổn hại gan.
Không dùng thuốc làm ảnh hưởng gan.
Nếu lo lắng về nguy cơ mắc bệnh xơ gan, hãy nói chuyện với bác sĩ về những cách có thể giảm nguy cơ.
Thảo Nguyên (TH)