Ngày nay, việc học thành thạo một ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, đã phổ biến khắp thế giới, nhưng nhiều người vẫn tự hỏi liệu việc học thêm một ngôn ngữ có thực sự cần thiết đến vậy? Bài viết sau đây có thể sẽ mang đến cho bạn câu trả lời.
|
Bí ẩn của đứa trẻ 'song ngữ' |
“Ngôn ngữ của tôi bị giới hạn là thế giới của tôi bị giới hạn” - Ludwig Wittgenstein, nhà triết học lỗi lạc thế kỷ XX từng khẳng định. Ngôn ngữ là công cụ định hình tư duy của con người, khiến những cuộc giao tiếp phức tạp thành khả thi. Vốn từ, cách thể hiện, cách châm biếm riêng trong ngôn ngữ của bạn sẽ xác định cách nhìn nhận thế giới của bạn.
Nếu bạn chỉ biết một ngôn ngữ (đơn ngữ), thế giới đó rõ ràng là bị hạn chế. Khi mọi người đang tiến đến việc giao tiếp không biên giới, những người chỉ biết đơn ngữ sẽ trở nên lạc hậu, ngay cả trong trường hợp tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của người đó. Vì vậy, ở các nước nói tiếng Anh hay Tây Ban Nha, người dân cũng phải học thêm một ngôn ngữ khác.
Bí ẩn của đứa trẻ “song ngữ”…
Não là một cơ quan linh hoạt tuyệt vời. Từ lúc con người sinh ra cho đến khi chết đi, não liên tục phát triển, thích nghi, học tập và tái học tập. Ngôn ngữ là thành phần thiết yếu để não bộ hoạt động. Trước đây, người ta từng tin rằng một đứa trẻ tiếp xúc với hai hay nhiều ngôn ngữ, khi trưởng thành sẽ bị lú lẫn, kém thông minh, thậm chí bị tâm thần phân liệt.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, quan điểm này đã quay ngược lại: những cuốn sách hay bài báo song ngữ được xem như chiếc đũa thần biến những đứa trẻ thành thiên tài!
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc học hai ngôn ngữ từ khi còn nhỏ sẽ cải thiện đáng kể khả năng nhận thức của trẻ: giúp não linh hoạt hơn trong việc chuyển đổi những nhiệm vụ khác nhau, tập trung tốt hơn trong môi trường ồn ào và tăng khả năng ghi nhớ. Như vậy, việc học và sử dụng hai ngôn ngữ rõ ràng đã giúp não trẻ phát triển tốt hơn về mặt nhận thức.
|
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh kỹ năng nhận thức, những thành quả về mặt xã hội của “song ngữ” cũng được xác nhận. Một nghiên cứu của ĐH Chicago, Mỹ, kết luận trẻ “song ngữ” hoặc trẻ chỉ cần được tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai thường vượt trội trẻ “đơn ngữ” trong việc đánh giá người khác dựa trên những cảm nhận của mình.
Nói đơn giản, trẻ “song ngữ” có khả năng đồng cảm và hiểu người đối diện tốt hơn, mà sự đồng cảm là một lợi thế vô giá trong hoạt động xã hội. Mặt khác, việc học và sử dụng song ngữ còn giúp bộ não khỏe mạnh suốt đời.
…Và của bộ não “song ngữ”
Não cũng như cơ bắp, luôn cần được luyện tập. Việc sử dụng lưu loát hai ngôn ngữ là một cách để giữ cho não luôn khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc những rối loạn do thoái hóa não. Người “song ngữ” thường có biểu hiện Alzheimer chậm hơn 5 năm so với người “đơn ngữ”. Lợi thế này càng rõ rệt hơn khi so sánh với người mù chữ!
Người “song ngữ” còn có những lợi thế lớn so với những người chỉ đơn thuần biết hai ngôn ngữ. “Song ngữ”, đúng nghĩa của nó, là khả năng sử dụng linh hoạt như tiếng mẹ đẻ một ngôn ngữ khác trong mọi tình huống.
Điều này đã được chứng minh bởi những người Pueto Rican ở New York, Mỹ. Một nghiên cứu khác thực hiện ở Singapore, nơi tiếng mẹ đẻ được sử dụng đồng thời với tiếng Anh, cũng cho kết quả tương tự.
Tuy nhiên, nếu người “song ngữ” không thường xuyên chuyển đổi giữa hai ngôn ngữ hoặc chỉ sử dụng giới hạn trong một môi trường nào đó, lợi ích sẽ giảm đi. Như vậy, hiểu theo một cách nào đó, “song ngữ” chính là một loại thuốc phòng bệnh hiệu quả cho bộ não.
Song ngữ và song-văn-hóa
Ngôn ngữ cho chúng ta phương tiện tìm hiểu về thế giới bên ngoài đất nước mình sinh ra, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chúng ta cảm nhận về thế giới thế nào. Học một ngôn ngữ mới còn tác động đến cách chúng ta tư duy. TS. Panos Athanasopoulos, một nhà ngôn ngữ học nói: “Có mối liên hệ chặt chẽ giữa ngôn ngữ, văn hóa và nhận thức”.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, những người biết nhiều ngôn ngữ thường đạt điểm cao hơn trong các bài test về tư duy cởi mở (open-mindedness) và sự nhạy bén về văn hóa, tức khả năng dễ dàng tiếp nhận những cái khác lạ, mới mẻ từ một nền văn hóa khác.
Nhờ vậy, “song ngữ” còn cho phép chúng ta trở thành người “song-văn-hóa”. Đây là một lợi ích không thể đo đếm trong thế giới ngày nay, một “kỹ năng sinh tồn” thật sự khi bạn phải chu du đến những miền đất mới.
Còn về kinh tế?
Những nghiên cứu thực hiện ở các nước Thụy Sĩ, Anh, Canada, Ấn Độ… đều cùng chỉ ra lợi ích về mặt tài chính nhờ “song ngữ” hay đa ngôn ngữ. Theo nghiên cứu tại Thụy Sĩ, đa ngôn ngữ là lý do giúp đóng góp 10% vào GPD của đất nước này, khả năng ngôn ngữ của người lao động đã mở rộng thị trường cho các ngành nghề ở Thụy Sĩ và làm lợi cho nền kinh tế.
Ở Anh, sự bảo thủ người dân với tiếng mẹ đẻ và tình trạng người dân từ chối học thêm một ngôn ngữ khác, theo tính toán, đã làm thất thoát 3.5% GPD của nước này. Ở cấp độ cá nhân, lợi ích của “song ngữ” có phần khó đo đếm vì tùy thuộc vào ngành nghề, nơi làm việc và trình độ của lao động.
Ví dụ, năm 2010 tại Canada, một nghiên cứu cho thấy, người “song ngữ” kiếm được nhiều hơn khoảng 3-7% so với các đồng nghiệp “đơn ngữ”. Việc biết hai ngôn ngữ đã giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn, dù công việc không hề yêu cầu họ phải sử dụng cả hai ngôn ngữ. Ở Mỹ, việc biết thêm một ngôn ngữ giúp tiền lương của người lao động tăng ít nhất 1,5-3,8%, đặc biệt tiếng Đức là “có giá” nhất. Ở Ấn Độ, lợi ích này hết sức rõ rệt, những người biết tiếng Anh có thể kiếm trung bình nhiều hơn người không biết đến 34% mỗi giờ.
Những diễn giải trên đã đủ để bạn quyết định học thêm một ngôn ngữ và định hướng cho con cái mình thành một người “song ngữ”?
Theo Tuyến Trần/Phụ nữ online