Từ bấy lâu nay, các chuyên gia phương Tây luôn mong muốn đến xứ sở được xem là "nóc nhà thế giới" để tìm hiểu và khám phá về sự độc đáo của nền y thuật cổ truyền nơi đây.
Không sai khi khẳng định rằng, chưa có một nền y học nào trên thế giới lại có sự hòa quyện giữa y học với ý thức như y thuật Tây Tạng. Những y sư Tây Tạng hành nghề không chỉ để kiếm sống mà còn tự coi đây là một phương pháp tu luyện bản thân.
Y thuật và Phật giáo
Trước đây, hầu hết người hành nghề y ở Tây Tạng đều là những bậc chân tu, lấy việc làm cá nhân để cầu lợi cho chúng sinh. Do y học cổ truyền Tây Tạng gắn bó rất mật thiết với Phật pháp nên khái niệm y đức luôn được coi trọng.
Ở Tây Tạng, khi chọn thầy thuốc, tiêu chuẩn hàng đầu là y đức, còn hiểu biết và trình độ y thuật là thứ yếu. Người Tây Tạng tin rằng, khi thầy thuốc hành nghề cứu khổ chúng sinh, cộng với lòng từ bi rộng mở, những phương thuốc bình thường cũng sẽ trở nên hiệu nghiệm hơn rất nhiều so với người giỏi y thuật nhưng tâm không thiện. Do đó, đối với thầy thuốc Tây Tạng, trí tuệ và lòng từ bi phải được chú trọng như nhau.
Người nhập môn y thuật Tây Tạng trước hết phải thuộc những điều thệ nguyện được lấy từ bộ y thư kinh điển Tứ bộ y điển, và hằng ngày y sinh phải đọc lại những điều ấy. Bộ kinh Tứ bộ y điển dạy về cách đối xử giữa thầy thuốc với người bệnh, trách nhiệm của người thầy với môn đồ, hay đặt ra yêu cầu phẩm cách của một thầy thuốc.
|
Thầy thuốc người Tây Tạng chế biến thuốc từ các dược liệu theo những công thức bí truyền lâu đời. |
Người hành nghề thuốc phải luôn tâm niệm, những hiểu biết và trình độ y thuật chỉ làm cho một người trở thành chuyên gia về y tế chứ không thể trở thành một vị lương y nếu không có tâm trong sáng và từ bi.
Theo y thuật Tây Tạng, từ bi còn là một phần không thể thiếu để có được sức khỏe và hạnh phúc. Từ bi có thể mang lại sự khỏe mạnh vì sức khỏe của tinh thần là chìa khóa cho sức khỏe của cơ thể. Từ bi giúp cơ thể duy trì sự cân bằng. Khi tâm có hạnh phúc, cơ thể sẽ tự nhiên khỏe mạnh lên.
Từ đây, y học Tây Tạng chia bệnh tật làm hai nhóm: nội bệnh và ngoại bệnh. Nhắc tới nội bệnh là phản ánh lòng tham lam, oán hận và mê muội của con người, không thể chữa trị bằng phương pháp thông thường.
Trong khi đó, ngoại bệnh là những đau đớn về thể xác và tinh thần, có thể dùng thuốc và các phương pháp y học hiện đại nhằm chữa lành, chống tái phát. Con người đã sai lầm khi lầm tưởng bệnh tật đến từ yếu tố bên ngoài, nhưng thực chất xuất phát từ trong tâm của phần "người". Không thoát khỏi tham-sân-si, là không thể khỏi bệnh và sống một đời an yên, vui vẻ.
Những vị lương y Tây Tạng không chỉ quan tâm đến việc chữa trị thân bệnh mà còn có trách nhiệm chăm sóc tâm bệnh của bệnh nhân, nhất là khi họ cận kề cái chết. Với tín ngưỡng sâu sắc vào Phật giáo, người Tây Tạng thuộc tầng lớp nào cũng tin tưởng một cách tuyệt đối rằng cái chết là sự khởi đầu của một cuộc sống mới, là một quá trình trong luân hồi chứ không phải kết thúc.
|
Y thuật Tây Tạng rất chú trọng đến những lợi ích của thiền định. |
Vì thế, quan niệm về cái chết của người Tây Tạng khá nhẹ nhàng, không lo buồn. Khi các lương y Tây Tạng chẩn đoán thấy rằng bệnh nhân không thể qua khỏi, họ sẽ trực tiếp nói với người ấy: "Tốt nhất nên chuẩn bị hành lý cho một chuyến lữ hành".
Nền y học cổ truyền Tây Tạng luôn gắn liền với những giáo lý của Phật giáo. Có sinh là có tử, đó là quy luật tất nhiên. Mỗi con người đến một lúc nào đó đều phải đối mặt cái chết, đồng thời cũng hy vọng rằng lúc sắp chết được nhẹ nhàng, không đau đớn và khổ sở. Y học Tây Tạng mong muốn đem lại sức khỏe vĩnh hằng cho con người, nhưng đồng thời sẽ tiêu trừ sự lo sợ đối với cái chết của người sắp lâm chung.
Bất cứ người nào cũng không thoát khỏi bệnh khổ và tử vong, do đó cũng không cần lo nghĩ về chúng. Sự chuyển hóa từ kiếp này sang kiếp khác là do nghiệp báo thiện ác của mỗi cá nhân gây ra. Vì vậy, mỗi con người nên nắm bắt thời gian ngắn ngủi của cuộc đời, và sống thật trọn vẹn. Điều này càng khiến cho nền y học Tây Tạng thật sự đáng học hỏi và ngưỡng mộ.
Chưa thể giải mã
Những bí ẩn về cách giữ gìn sức khỏe của nền y thuật Tây Tạng chưa bao giờ được giải mã hoàn toàn. Người Tây Tạng coi trang sức cũng là một loại dược liệu bảo vệ thân thể khỏi bệnh tật, được khắc 6 chữ bùa "om mani padme hum" gọi là lục tự chân ngôn. Phật giáo Tây Tạng cho rằng thường đeo 6 chữ này sẽ tiêu trừ bệnh khổ, không còn lo lắng, tăng tuổi thọ và sung túc.
Trong khi đó, nhiều vòng cổ tạo hình gậy kim cang, một loại đồ pháp khí dùng để hàng ma phục yêu, đeo trên người giúp tăng sức mạnh và trí tuệ. Người Tây Tạng cũng rất hay dùng những chiếc hộp trang sức bằng bạc hay đồng, trên khảm hình Phật bằng vàng như là bùa hộ thân.
Trong y học Tây Tạng, ngoài những phương pháp chữa bệnh bằng ăn uống, điều chỉnh lối sống, thực phẩm thiên nhiên hay vật lý trị liệu, liệu pháp châm cứu rất được ưa dùng vì đơn giản và hiệu quả. Điều đặc biệt ở đây là, người Tây Tạng sử dụng vàng để chế tạo kim dùng trong châm cứu.
Từ xa xưa, người Tây Tạng đã hiểu đặc tính của vàng, thường dùng kim vàng để hút những tạp vật ô uế trong khí mạch. Chưa hết, y sư Tây Tạng thậm chí "chế biến" bột vàng cùng nhiều loại dược liệu quý giá có nguồn gốc thực vật và khoáng chất khác, theo những công thức bí truyền, để bào chế nên viên thuốc "bảo hoàn". Nhiều ý kiến nhận định, loại thuốc này rất quý và công hiệu, được người Tây Tạng thường mang theo bên mình như bùa hộ mạng.
Kỹ thuật bắt mạch của y học Tây Tạng phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ đo nhịp tim. Để bắt mạch, thầy thuốc dùng ba ngón tay đặt lên vùng da cổ tay dưới ngón tay cái.
|
Hình ảnh kĩ thuật cố định xương được ghi chép lại bởi các thầy thuốc. |
Sau nhiều năm rèn luyện, họ có thể nhận ra nhịp đập mạnh yếu, nhanh chậm phản ánh tình trạng sức khỏe của các cơ quan khác nhau trong cơ thể như thế nào. Kỹ thuật này chính xác một cách đáng ngạc nhiên. Tiết chế và thay đổi lối sống thường là bước đầu tiên trong cách chữa trị của y học Tây Tạng.
Bước tiếp theo là dùng thảo dược Tây Tạng bao gồm từ 3 cho đến hơn 150 loại thảo dược và khoáng chất khác nhau. Những phương thuốc này có công thức rất chính xác và được sản xuất qua quá trình vô cùng phức tạp. Trong văn học và y học Tây Tạng, họ tin sự cầu nguyện mang lại năng lượng. Cầu nguyện trong lúc uống thuốc được cho là giúp thuốc có tác dụng tốt hơn.
Bên cạnh đó, y thuật Tây Tạng cũng rất chú trọng đến những lợi ích của thiền định. Giới nghiên cứu nhận định, thiền định vốn có nguồn gốc từ rất lâu đời, gắn liền với các môn tu luyện cổ xưa trong lịch sử nhân loại.
Chỉ xét đến những hiệu quả tích cực lên sức khỏe, khả năng chữa bệnh khỏe người thì khoa học hiện đại ngày nay mới chỉ đang ở mức ghi nhận một số hiện tượng diễn ra ngoài bề mặt, mà chưa thể đi vào giải thích bởi vì có rất nhiều hiện tượng kỳ lạ và không theo các nguyên lý thông thường.
Các tín đồ Phật giáo cho rằng hiện thực mà chúng ta đang sống không phải là cảnh giới cuối cùng, mà còn có một cảnh giới khác không thụ nhận cảm giác và ảnh hưởng từ thế giới hiện thực này và+ chỉ có thể đạt được thông qua thiền định.
Khi nghiên cứu về những nhà sư Tây Tạng, nhiều nhà khoa học cho biết nhiệt năng phát ra từ thân thể họ chỉ là sản phẩm phụ của việc ngồi thiền. Nếu xét từ quan niệm vật chất hiện đại, cơ thể con người được cấu thành từ những tế bào, tế bào được tổ hợp từ hơn 100 nguyên tố hóa học cơ bản.
Nó cũng phù hợp với học thuyết ngũ hành của phương Đông từ xa xưa, rằng ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) cấu thành nên vạn sự, vạn vật (bao gồm cả thân thể người). Tuy nhiên, hai trường phái này có những lý thuyết và phương pháp phòng - trị bệnh khác nhau, đôi khi sự khác biệt rất lớn thậm chí đến mức đối ngược nhau.
Ngày nay, các vấn đề sức khỏe của con người dường như đã vượt khỏi tầm kiểm soát của khoa học hiện đại khi có rất nhiều bệnh mới xuất hiện. Vấn đề này chưa được giải quyết xong thì đã phát sinh thêm vấn đề khác. Đó cũng là điều thôi thúc nhiều người đặt chân lên hành trình về phương Đông, về với "vùng đất thiêng" Tây Tạng để tìm hiểu những điều huyền bí vô tận, giải mã nền y thuật cổ truyền nơi đây với hi vọng đem lại cho loài người một cuộc sống khỏe mạnh hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần...
Theo Phương Thảo/ANTG