Cô có một tuổi thơ không hoàn hảo. Bố mẹ cô bỏ nhau khi nàng chưa đầy 3 tuổi. Cô lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm gia đình. Trong ánh mắt kỳ thị của mọi người dành cho mẹ con cô. Mẹ cô nuôi con bằng những vết thương tâm hồn không bao giờ lành lặn. Cô lớn lên trong tủi hờn, mồ hôi, nước mắt của mẹ.
May mắn là cô đã trưởng thành, là đứa con gái mang lại niềm hãnh diện cho mẹ. Khi đi học, cô luôn là “thủ lĩnh” từ điểm số đến các hoạt động xã hội. Tốt nghiệp đại học, cô có ngay việc làm tại một công ty nước ngoài.
|
Ảnh minh họa. |
Cô nhanh chóng trở thành người không thể thiếu của công ty. Xinh đẹp, tài giỏi, và hoạt bát, cô hội tụ đầy đủ yếu tố của một người phụ nữ thời đại. Thế nên, khi cô “lọt vào mắt xanh” của chàng giám đốc dự án cùng công ty, mọi người đều đều chúc mừng đôi lứa xứng đôi.
Từ ngày trở thành phu nhân giám đốc dự án, cô như biến thành một người khác. Bạn bè cùng công ty đặt những câu hỏi to đùng cho sự xuống cấp của cô. Đến khi cô đã 2 mặt con, tấm màn bí mật của cuộc sống riêng nhà cô mới dần dần được hé mở trong sự ngờ vực của mọi người.
Bởi không ai có thể tin ngài giám đốc rất bặt thiệp, nhẹ nhàng với nhân viên từ câu nói, đến cử chỉ, ánh mắt, lại có thể sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ bất cứ lúc nào. Chỉ cần nửa đêm con khóc, làm tỉnh giấc ngủ muộn của hắn vì mải chơi game, hắn cũng thẳng chân đá vèo vợ ngã lăn xuống đất. Con lỡ tè dầm ra nhà, sợ bị “ám mùi quần áo”, gã cũng đấm vợ dúi dụi.
Cùng một cơ quan, cùng tan giờ làm, nhưng bao giờ cô cũng phải đi thật nhanh để về nhà lo cơm nước. Sau khi nhậu nhẹt với bạn bè thỏa thuê, hiếm khi hắn về nhà với thái độ vui vẻ. Lỡ có hôm con ốm, hay bận việc đột xuất mà cô chưa nấu cơm xong, hắn sẽ đập phá bất cứ thứ gì có trong tầm tay của hắn.
Thậm chí, có khi hắn về muộn mâm cơm dọn sẵn đã nguội ngắt, cũng là cái cớ để hắn trút cơn thịnh lộ vào vợ. Thời gian đầu, thi thoảng cô đến cơ quan với những vết bầm tím. Sau này, chồng cô biết “rút kinh nghiệm” tra tấn vợ tới mức điệu nghệ, thế nên dù hôm trước có bị đòn thừa sống thiếu chết, thì hôm sau cô vẫn có thể đến công ty với bộ dạng lành lặn nhất, bên cạnh khuôn mặt rạng rỡ của chồng.
Cuộc sống của cô bên chồng chỉ có 4 từ: Tận tụy nhịn nhục. Nếu muốn được yên thân, nàng phải biết không để hắn phật ý. Ví như một lần cô đi công tác về, cái thai trong bụng sắp đến ngày sinh làm cô muốn hụt hơi, chỉ mong về nhà để ngả lưng một chút. Mở cửa ra, cô thấy tiếng động cơ xe, tiếng đạn rít trong phòng ngủ. Hóa ra gã chồng của cô đang chơi điện tử.
Cô tự tát vào mặt mình cho tỉnh, ngọt ngào chào chồng rồi khẽ khàng mở tủ lạnh, chọn loại quả mà chồng thích. Cô gọt vỏ, bày biện đẹp mắt, cố giấu bộ mặt mệt mỏi, đến bên chồng. Cô âu yếm đút cho chồng từng miếng. Đợi chồng ăn xong, cô mới thẽ thọt: “Em mệt quá anh ạ, em đau lưng quá! Anh ra phòng khách chơi điện tử cho em nằm nghỉ một lát! Tí thôi, rồi em dậy nấu cơm.”
“Ừ, 5 phút thôi đấy. Đói lắm rồi!”Gã chồng nhồm nhàm nói với vợ, mắt không rời màn hình latop. Cô đặt lưng hả hê. Đó là một trong những ngày hạnh phúc hiếm hoi của cô từ khi bắt đầu cuộc sống làm vợ.
Nhiều người khuyên cô không nên tiếp tục cuộc sống với một người chồng như hắn. Nhưng cô không đủ can đảm. Cô thừa khả năng để tự mình nuôi con, tạo lập một cuộc sống khá giả cho con. Nhưng cô sợ con cô sẽ phải sống với nỗi ám ảnh hãi hùng mà thời thơ ấu mẹ nó đã phải nếm trải.
***
Người đàn bà ấy chỉ là một trong rất nhiều những người phụ nữ đang phải chịu bạo hành. Họ đều được cho ăn học đàng hoàng, họ nhận thức được những điều phải trái, với xã hội, họ là một người phụ nữ thành đạt. Chỉ khi đối diện với chồng, họ mới đánh mất bản thân mình.
Chồng đánh, chồng chửi, kệ chồng, không cãi lại, không đôi co kiểu chợ búa với chồng nhưng thay vào đó là những ức chế, những ấm ức không biết kể ra cùng ai. Cãi lý thì không được vì cái kiểu đàn ông gia trưởng lúc này, càng cãi họ càng đánh, càng chửi.
Những gã chồng "át vía vợ" một điểm chung là không bao giờ nhìn được cái sai của họ, tự cho mình là giỏi giang, tự cho mình cái quyền coi vợ là ôsin, là vật sở hữu. Ngoan ngoãn, vâng lời họ thì êm cửa êm nhà, nhưng khi phật ý họ, dù là điều nhỏ nhặt nhất, thì khi đó, vợ cũng chỉ là… rơm rác.
“Chồng tiến thì vợ phải lui, cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê”, nhưng cứ nhịn nhục mãi, nhịn đến mức đánh mất giá trị của bản thân mình, liệu có phải là một điều nên làm?
Hy vọng những người đàn ông vốn có suy nghĩ coi vợ là vật sở hữu, hãy biết nhìn lại bản thân, nhìn lại sự nhẫn nhịn của vợ mà biết thương yêu, sẻ chia với người đang tận tụy giữ lửa cho căn bếp của mình.
Theo Báo Pháp Luật