Bí quyết sống lâu hơn một thế kỷ

Google News

(Kiến Thức) - Sinh năm 1907, năm nay 106 tuổi, cụ Bùi Thị Tính (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ bí quyết sống thọ: sạch sẽ, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tôi sợ ở bẩn lắm

Chỉ trừ những hôm mưa, còn những ngày nắng, kể cả khi hơi hửng chút ánh mặt trời, cụ Tính cũng mang gối, chăn, áo khoác... ra hong. Đến quãng 4h chiều, khi ánh nắng bắt đầu nhạt dần là cụ đã đi thu dọn những mẻ quần áo, gối chăn của mình vào. Vừa làm, cụ vừa đánh tiếng vang vang sang nhà hàng xóm: "Tối rồi đấy, mang quần áo vào thôi kẻo sương xuống lại ẩm xì".

Nhà của cụ, mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, đồ đạc chỗ nào "ở đúng vị trí chỗ đó, để lúc cần là lấy được ngay", cụ cười. "Tôi sợ bẩn lắm. Thời của tôi, khoa học còn chưa phát triển, thuốc còn ít, nên tôi luôn giữ gìn, nhắc nhở mình cũng như chồng con phải sống sạch sẽ để phòng bệnh tật. Cái lối sống đó nó ngấm vào máu mình rồi, giờ già lại càng phải sạch, vì nếu mình còn không "ngửi" được mình thì con cháu nào muốn lại gần mình cơ chứ", cụ Tính chia sẻ.

Theo cụ Tính, chính vì sự sạch sẽ đó mà chẳng mấy khi cụ bị ốm, mắc các bệnh truyền nhiễm và cả nhà cụ đều "được chừa ra" trong những trận dịch tả, thương hàn. Còn hàng xóm của cụ thì tấm tắc khi thấy trời lạnh giá, cụ cũng vẫn tắm gội như thường. Đặc biệt, ngay cả những đồ cụ chuẩn bị cho ngày mình "lên đường với tổ tiên", quần áo, khăn xô, vải liệm, ngày nắng to cụ cũng mang ra phơi phóng. "Về chào các cụ thì phải thơm tho chứ", cụ tủm tỉm.

Với cụ Tính, cái tâm khoẻ chính là gốc của sức khoẻ. 

Gột rửa tinh thần

Cụ Tính bảo, nhưng cái đáng sợ nhất với cụ không phải là chuyện ở bẩn, mà là sự không "sạch sẽ" về tinh thần. "Điều này nói thì dễ nhưng làm thì khó lắm. Vì mình cũng là con người, cũng có lúc này lúc kia, so đo, tính toán thiệt hơn... Tuy nhiên, tôi nghiệm ra, mình sống tử tế, không làm điều gì hổ thẹn thì tự dưng thấy lòng thanh thản, nhẹ bỗng. Còn chỉ cần làm sai, không đúng là bỗng thấy lấn cấn, buồn phiền, mệt mỏi. Thế nên, tôi luôn chú trọng "gột rửa" mình từ trong cách nghĩ, lối sống... Có được cái tâm khoẻ, đó mới chính là cái gốc của sức khỏe", cụ Tính tâm sự.

Vì cách sống đó của cụ, mà cụ đã được tín nhiệm bầu vào ban giải hòa của xã mấy chục năm, cộng thêm tài ăn nói thuyết phục, "cụ đã giúp cho bao gia đình tưởng tan lại về với nhau, hóa giải được bao mối bất hòa cho láng giềng", ông Hữu Điển, con trai cụ tự hào nói về mẹ. Và cho tới tận bây giờ, mỗi khi con cháu có điều gì lời qua tiếng lại, cụ vẫn ôn tồn phân tích thiệt hơn để mọi người bớt giận, làm hòa, lấy chữ tình làm trọng.

Gương mặt đầy đặn, đôi tai dài như đức Phật, giọng nói vang, sang sảng, ngày ăn ba bữa cơm đều đặn, vẫn tự đẩy ghế đi dạo, thăm con cháu, cụ Tính khiến nhiều người gặp lần đầu ngạc nhiên khi biết cụ đã vượt qua ngưỡng "hai năm mươi". Những lúc rảnh rỗi, các bà các cô hàng xóm rất thích sang ngồi nghe cụ dạy đọc kinh sám hối: "Thời trẻ con còn chua ngoa, lạy Đức Phật bà thể xá cho con, miệng con ăn mặn ăn mà...". Đọc xong, cụ lại giảng giải: "Học thuộc là sẽ không làm điều ác nữa đâu", rồi cụ cười, các nếp nhăn xô vào nhau trên gương mặt hồn hậu.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Mai Nguyên