Một tháng nay ở cữ , tôi đến ngán ngẩm các món ăn do chồng nấu. Vốn dĩ, anh không biết nấu ăn, chỉ biết luộc rau luộc trứng hoặc úp tô mì tôm (nửa sống nửa chín). Từ lúc cưới, chỉ có tôi vào bếp hoặc bận rộn quá thì đặt thức ăn bên ngoài về ăn. Còn chồng, anh ỷ lại có vợ đảm đang nên chẳng chịu học nấu nướng.
Đến khi đẻ, tôi muốn thuê bảo mẫu hoặc giúp việc thì anh không cho vì sợ bất tiện khi có người lạ trong nhà. Mẹ tôi lại đau bệnh suốt nên cũng chẳng đến chăm con gái được. Còn mẹ chồng thì... tôi chịu, tôi chả dám nhờ vả. Mà chồng tôi cũng sợ bà khó chịu nên bàn với vợ là để anh chăm sóc tôi luôn, khỏi phải nhờ cậy ai.
Thế là anh bắt đầu vào bếp. Tôi thật không hiểu vì sao sách hướng dẫn nấu ăn chỉ cặn kẽ thế mà chồng tôi vẫn nấu không ra món gì. Đến mức tôi hãi quá, phải gọi điện nhờ mẹ mình đến nhà bế con giúp một tuần để tôi "huấn luyện" chồng khoản bếp núc.
(Ảnh minh họa)
Biết tin mẹ vợ đến thăm , chồng tôi vội vã đi chợ rồi xung phong vào bếp nấu một bữa cơm thịnh soạn đãi cả nhà. Lâu rồi mới gặp mẹ nên tôi ghi sẵn công thức nấu và để chồng tự lo liệu, còn mình ngồi tâm sự với mẹ.
Đến trưa, chồng gọi mẹ con tôi ra ăn cơm. Vừa nhìn mâm cơm, tôi đã lảo đảo muốn ngã. Chồng tôi nấu món gà lá é nhưng gà chưa vặt sạch lông. É thì nguyên cọng dài và chưa chín hẳn. Món thịt nướng thì bên ngoài cháy đen mà bên trong vẫn còn sống. Món canh chua cá lóc thì cá chưa làm ruột nên nổi lềnh bềnh. Tôi nhìn mâm cơm, nhìn lại mặt chồng tươi phơi phới mà không biết diễn tả bằng câu gì cho chuẩn.
Mẹ tôi đứng bên cạnh, vừa cười vừa hỏi tôi đã "sống sót" bằng cách nào trong một tháng qua. Tôi cười đau khổ. Hôm đó, ba món kia tôi phải đem đi nấu lại hết mới ăn được. Thật khổ quá đi mà.
Nhưng cũng vì tôi đem nấu lại hết nên chồng tôi đâm "quạu". Anh hờn dỗi, cho rằng tôi khinh thường chồng. Đúng là hết thuốc chữa. Giờ tôi có nên "chiến đấu tới cùng", kiên quyết thuê người giúp việc hoặc đăng ký cho chồng học một khóa nấu ăn cho êm chuyện không? Tôi định dạy chồng mà sợ anh "quạu quọ", giận dỗi thì gia đình lại mất vui.
Theo Pháp luật và Bạn đọc