Theo lời kể của anh Phạm Văn Tuý (33 tuổi, ngụ Ấp 1, xã Tân Long, huyện Phú Giáo, Bình Dương), lúc 15h ngày 18/5, thấy vợ mình - thai phụ Trần Thị Trang (29 tuổi) bị sốt nhẹ nên đưa vào Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương thăm khám.
Qua kiểm tra và lấy máu xét nghiệm, siêu âm thai, các bác sĩ chẩn đoán chị Trang mang thai 38,5 tuần và có dấu hiệu bị sốt xuất huyết.
Tới 21h cùng ngày, chị Trang sinh hạ được bé gái nặng 2,9 kg.
|
Bệnh viện phụ sản nhi Bình Dương. Ảnh V.D |
Lúc 1h ngày 19/5, anh Túy được bác sĩ thông báo vợ có dấu hiệu chảy máu âm ỉ, đã được chích thuốc cầm máu và chuẩn bị cho chuyển viện lên tuyến trên.
3 giờ sau, sản phụ Trang được xe cứu thương của BV chuyển lên bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM).
Tại BV Từ Dũ, các bác sĩ nói với anh Túy rằng tiên lượng sức khỏe của vợ rất xấu. Sản phụ Trang sau đó phải mổ, cắt bổ toàn bộ tử cung, buồng trứng bên trái.
Tuy nhiên, tới 15h ngày 19/5, sản phụ tử vong.
Anh Túy cho hay, nguyên nhân tử vong được các bác sĩ BV Từ Dũ thông báo do vợ anh mất máu quá nhiều ở tuyến dưới dẫn đến sốc mất máu, nhiễm trùng gây suy đà phủ tạng, rối loạn đông máu nặng.
Quá bức xúc trước cái chết của sản phụ Trang, ngày 22/5, anh Túy cùng 3 người thân đã tới BV vây bác sĩ yêu cầu làm rõ sự việc.
Người chồng sản phụ phản ánh chính sự tắc trách của bác sĩ khiến vợ anh mất máu quá nhiều và việc điều động xe cứu thương để chuyển viện chậm trễ dẫn tới tử vong.
Theo anh Túy, sau khi vợ anh tử vong, BV đã có hỗ trợ 30 triệu đồng.
Bệnh viện giải trình ra sao?
Trong văn bản giải trình với Sở Y tế Bình Dương, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương Huỳnh Thị Kim Chi cho biết, thai phụ này nhập viện trong tình trạng cấp cứu do sốt cao kèm có thai đủ tháng, có dấu hiệu chuyển dạ sinh.
Trong thời gian ngắn qua khám lâm sàng và xét nghiệm ban đầu, kíp trực chẩn đoán chị này có thai 38,5 tuần, thuận, chuyển dạ trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue ngày 1.
Sau đó, chị Trang chuyển dạ rất nhanh, thời gian từ lúc vào viện cho đến lúc sinh chỉ 4 giờ 10 phút.
|
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương Huỳnh Thị Kim Chi. Ảnh BV
|
Sau sinh hơn 3 giờ, trong lúc còn theo dõi tại phòng sinh, chị Trang trở nặng với biểu hiện rối loạn đông máu (DIC) vì có bệnh nội nhiễm kèm theo.
"Thông thường nếu bệnh nhân bị băng huyết sau sinh do nguyên nhân sản khoa thì chúng tôi đã xử lý tại chỗ vì BV có khả năng phẫu thuật và ngân hàng máu.
Nhưng với DIC, chúng tôi quyết định chuyển viện vì cần điều trị huyết học chuyên sâu lẫn điều trị nguyên nhân gây sốt" - bà Chi nêu.
Nói về thời gian chuyển viện, bà Chi cho hay, BV không chuyển viện ngay khi sản phụ nhập viện vì sản phụ đã vào chuyển dạ trong khi khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm lúc đó chưa thấy dấu hiệu bất ổn.
Sau sinh, bắt buộc phải theo dõi chặt chẽ hậu sản. Lúc đầu tuy còn sốt nhưng các dấu hiệu khác ổn định.
Sau hơn 3 giờ, chị Trang mới xuất hiện dấu hiệu rối loạn đông máu, không chỉ xuất huyết tử cung mà còn ở đường tiết niệu. BV sau đó đã hội chẩn và xử trí sơ cứu an toàn thì mới cho chuyển viện.
Do phải tốn thời gian đặt bóng chèn và hồi sức và truyền dịch, máu, huyết tương tươi...nên sau 1 giờ 40 phút chị Trang được chuyển viện chứ không phải bệnh viện không có sẵn xe cứu thương.
Thời gian xe chạy mất 40 phút thì tới phòng cấp cứu BV Từ Dũ.
"BV không chậm trễ chuyển viện nhưng vì được thông báo chuyển viện ngay từ khi hội chẩn nên người thân thấy chờ đợi lâu, tưởng là BV không có xe chuyển viện" - bà Chi phân trần.
Phía BV khẳng định kíp trực luôn theo sát sản phụ từ lúc vào viện, chuyên dạ tới khi phát hiện bệnh trở nặng, lúc chuyển viện và thực hiện đúng phác đồ, quy trình điều trị…
Khi gia đình chị Trang kéo đến bệnh viện tỏ thái độ bức xúc, yêu cầu đòi làm rõ. Phía bệnh viện đã giải thích rằng các bác sĩ đã nỗ lực, không chậm trễ khi xử trí ban đầu trường hợp của chị Trang.
Theo Thạch Quý/Vietnamnet