Sáng 1/8, báo cáo của Sở Y tế Bình Dương cho biết, tính từ 17h00 ngày 31/7 đến 6h00 ngày 1/8, Bình Dương ghi nhận 1.415 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tính từ đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh lên 16.094 ca.
Trong đó, có 884 ca phát hiện trong khu cách ly; 59 ca phát hiện trong khu phong tỏa; 45 ca ghi nhận trong các cơ sở y tế và 427 ca phát hiện trong cộng đồng.
Bình Dương đang xem xét, phê duyệt các đề xuất của Sở Y tế, thành lập bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 cho người nước ngoài tại Bình Dương; ban hành kế hoạch triển khai ứng phó tình huống 20.000 ca bệnh trên địa bàn Bình Dương…
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cán bộ Trung ương thăm và kiểm tra công tác chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ sở 2 Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1. (Ảnh: Báo Bình Dương).
|
Ngày 31/7, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã họp giao ban về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nhận định, việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả bước đầu.
Dự báo, trong thời gian tới tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, chuẩn bị phương án tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh trong những ngày tới.
Chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện quy định khung giờ, phát phiếu cho người dân đi chợ để giảm tập trung đông người.
Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành kịch bản ứng phó, phương án nâng cao năng lực thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 và dự trù kinh phí trong trường hợp số ca F0 lên đến 20.000 và 25.000 người trong những ngày tới. Đồng thời thành lập Trung tâm mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.
Sở Tài chính chuẩn bị một số nội dung liên quan đến nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trình Kỳ họp HĐND tỉnh vào cuối tháng 8/2021 xem xét cho ý kiến.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị rà soát danh sách, tổ chức gặp gỡ, vận động đội ngũ y tế tư nhân trên địa bàn tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Tổ chức tập huấn cho 2.000 tình nguyện viên ngành Giáo dục và Đoàn Thanh niên để đảm bảo công tác phục vụ, bổ sung cho lực lượng y tế và chi viện của các địa phương khác.
Tập trung lực lượng xét nghiệm cho doanh nghiệp, cơ sở y tế để tránh lây nhiễm chéo; xây dựng các doanh nghiệp an toàn để duy trì sản xuất, nhất là các doanh nghiệp sản xuất cung ứng các mặt hàng thiết yếu.
Những đơn vị, địa phương đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc phải có biển báo về "vùng xanh" và phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt hơn các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ "vùng xanh".
Giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các ngành liên quan triển khai thực hiện nhanh chính sách an sinh xã hội; có quy trình tháo gỡ những khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thực hiện theo hướng rút gọn hồ sơ.
Đối với hoạt động sản xuất phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, những doanh nghiệp đảm bảo đủ điều kiện và an toàn mới được phép hoạt động. Các doanh nghiệp cho ngừng hoạt động phải tổ chức trật tự, an toàn và sàng lọc xét nghiệm để đưa công nhân lao động về địa phương.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bộ Y tế lập thêm 3 trung tâm hồi sức COVID-19 tại TP.HCM
Hải Ninh