Dù trong cuộc sống hiện đại, mối quan hệ giữa bố mẹ chồng với nàng dâu đã có phần cởi mở, thân thiện hơn xưa nhưng ít nhiều vẫn luôn tiềm ẩn những vấn đề bất đồng, khó có thể thấu hiểu.
Không ít trường hợp, các nàng dâu dù đã học hỏi những nguyên tắc cư xử khôn khéo, cố gắng nhẫn nhịn để cuộc sống gia đình êm ấm, nhưng vẫn lực bất tòng tâm vì vô số mâu thuẫn từ trên trời rơi xuống.
Câu chuyện của chị Nguyễn Trang, nàng dâu đến từ Hà Nội là một ví dụ. Theo chị Trang chia sẻ, vợ chồng chị kết hôn được 5 năm và có một con nhỏ.
5 năm về nhà chồng, nếm trải đủ mọi cảm xúc vui buồn, chị Trang vẫn luôn nỗ lực học cách dung hòa và sống biết điều để được mọi người yêu quý. Bà mẹ một con sau nhiều lần nhẫn nhịn đã phải phản ứng trước một sự việc khiến chị hết sức đau đầu vì bất mãn: Bố chồng đòi đứng tên tài khoản tiết kiệm của hai vợ chồng.
Dành dụm được khoản tiền nhỏ sau khi trang trải hết mọi khoản sinh hoạt phí cho cả nhà, nàng dâu bức xúc khi bị bố chồng đòi cất hộ.
Chị Trang kể: "Tiền lương hai vợ chồng mỗi tháng mình cầm lo chợ búa, cơm nước, sinh hoạt phí cho gia đình 5 người gồm hai vợ chồng, con mình, bố chồng và em gái chồng.
Không ai đưa thêm cho vợ chồng mình đồng nào, nhiều khi chi tiêu phải tính toán cố gắng lắm mới dư chút ít.
Vậy mà giờ bố chồng đòi đứng tên ngân hàng, cầm hết số tiền mình dành dụm mấy năm nay. Và chồng mình đồng ý. Anh bảo bố mất bố không mang đi được, mình anh con trai nên đưa cho bố vui. Nói thêm là bố chồng có tiền nhưng tiêu vặt vẫn lấy của vợ chồng mình đều đặn.
Em gái chồng đã làm ra tiền, ăn cùng, ở cùng nhưng không bao giờ đưa cho chị dâu xu nào. Mình vẫn nhịn vì nghĩ thôi chấp nhận mình làm dâu đâu bao giờ sướng. Nhưng giờ bố đòi cầm tiền là mình không chịu nổi nữa rồi".
Chị Nguyễn Trang cho hay, nhiều ngày nay chị mất ăn mất ngủ vì yêu cầu vô lý của bố chồng. Khi tỏ ý phản đối và tranh cãi với chồng, chị càng bức xúc hơn khi người bạn đời tuyên bố:
"Anh ta bảo lấy chồng phải theo nếp nhà chồng, không thì về nhà ngoại mà ở cho thoải mái. Mình thì không thể bỏ được vì tội con lắm, nên đang không biết giải quyết thế nào cho êm thấm"
Tình huống éo le mà nàng dâu trẻ gặp phải nhanh chóng được hội chị em quan tâm và tham gia bình luận hiến kế.
Nhiều chị em tư vấn cách giải quyết cho bà mẹ một con:
Chị Minh Thi đưa ra ý kiến: "Theo mình nếu anh ta đã đòi đưa cho bố đứng tên thì bạn cứ chia đôi số tiền tiết kiệm ấy ra. Anh ra cho ai đứng thì mặc kệ, còn của bạn thì bạn tự cất. Chứ sao lại chấp nhận yêu cầu vô lý thế được"
Tài khoản Ngọc Thúy tư vấn: "Hỏi chồng bạn xem đưa bố chồng đứng tên một nửa, bố vợ đứng một nửa thì anh ta có chịu không? Khôn một mình thế sao được, bạn không có ý định bỏ chồng nhưng lỡ anh ta tự dưng đòi bỏ vợ thì sao. Lúc đó số tiền đó là của bố chồng bạn, bạn ra đi tay trắng đấy.
Hoặc sau bố qua đời thì đó là tài sản của bố, phải chia phần cho cả cô em gái mà vợ chồng bạn đang nuôi báo cô nữa. Tỉnh táo lên"
Được biết, dù đã làm dâu nhà chồng 5 năm nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, chị Trang vẫn không được cầm tiền mua sắm Tết.
Chồng chị mỗi năm đều đưa tiền cho chị gái hoặc em gái để mua sắm Tết trong nhà, nhất quyết không giao "tay hòm chìa khóa" cho vợ.
Trước cách đối xử có phần chi ly, tính toán chuyện tiền bạc khá rạch ròi và thiếu công bằng của gia đình chồng, có lẽ chị Nguyễn Trang nên cân nhắc kỹ nếu muốn vừa không phải chịu thiệt thòi, vừa giữ được sự hòa thuận, ấm êm trong gia đình.
Theo Giadinh