Kinh tế là vấn đề chung của hôn nhân, vậy nên không thể nói rằng chỉ cần một người kiểm soát, người còn lại thờ ơ. Kể cả với những gia đình có đàn ông làm trụ cột trong nhà, người vợ vẫn nên tham gia góp ý, đưa lời khuyên khách quan.
Đôi khi, sự chỉn chu, nhìn xa trông rộng và tỉ mỉ của phụ nữ sẽ là vũ khí giúp tài chính của vợ chồng luôn ổn định. Nếu bạn cứ lúc nào cũng nghe răm rắp theo chồng mà chẳng có sự phân tích đúng sai thì sớm muộn cũng gặp rắc rối.
Giống như câu chuyện những ngày cận Tết của vợ chồng N. dưới đây.
Món tiền 100 triệu được chồng dự định "hết hồn"
Mặc dù nhà chồng N. cũng có chút nền tảng kinh tế nhưng cô nàng 28 tuổi chưa bao giờ nảy sinh suy nghĩ dựa dẫm hay phụ thuộc. Cô cũng chẳng hỏi chồng rằng bố mẹ anh giữ bao nhiêu tiền và chia chác cho các con ra sao.
Với N., điều quan trọng nhất là vợ chồng cùng cố gắng kiếm tiền, tiết kiệm trong chi tiêu và rồi sớm muộn cũng gặt hái nhiều thành tựu.
"Nhà chồng mình có 3 con trai, không có con gái. Có lẽ vì vậy mà từ trước tới nay, mọi người hay nói đùa với những cụm từ là 'chia ba đều luôn', ý chỉ lỡ mai mốt ông bà có mất đi thì tài sản chia 3 phần bằng nhau.
Nhưng mình thấy việc để tâm đến mấy thứ này không cần thiết. Chồng mình còn là con trưởng, anh phải thật tỉnh táo, không được giữ những chấp niệm hay ích kỷ xấu xa" - N. chia sẻ.
Cũng bởi chồng của N. là con trưởng nên bố mẹ thường bàn bạc với anh ấy những công việc quan trọng trong nhà như cúng bái, biếu xén, góp tiền này nọ. N. không tham gia quá nhiều vì cô nghĩ chồng mình luôn giải quyết được ổn thỏa.
Tuy nhiên, chồng của N. bị một tật là không nhìn xa trông rộng, thích hưởng thụ nhất thời mà quên đi cái lợi về lâu về dài. Đỉnh điểm là khi anh được bố giao cho 100 triệu trong một buổi gặp mặt riêng với vợ chồng N.
Bố chồng N. nói 100 triệu là số tiền ông dành dụm được, muốn gửi nhờ con trai trưởng giữ hộ, sau đó nếu trong nhà cần gì tới tiền thì lấy từ chỗ anh cả. Chồng của N. cũng đồng ý sẽ giữ hộ tiền, nhưng anh lại nói cho vợ về ý đồ đằng sau của mình:
"Anh tính thế này, 100 triệu chia làm 3 phần, gửi cho 2 cậu em nữa rồi sau muốn làm gì thì làm. Còn nếu như nhà có việc, anh em sẽ góp đều vào. Tết năm nay không có thưởng nhiều, mình tận dụng tiền của bố cho luôn".
Pha can ngăn tinh tế của cô vợ
Nghe chồng nói xong, N. ngay lập tức đã cảm thấy đây là một chuyện hết sức vô lý và thiếu suy nghĩ.
N. tin rằng nếu chồng hành xử như vậy thì sớm muộn trong nhà cũng xảy ra lục đục, mâu thuẫn và tranh cãi. Thậm chí, bố chồng cũng sẽ không bằng lòng với cách làm lén lút sau lưng vậy.
N. nói chuyện thẳng với chồng, cô phân tích rõ và vô cùng nhẹ nhàng:
"Anh làm như thế thì chỉ tự hại mình thôi. Bây giờ bố tin tưởng giao tiền cho anh giữ, ông không nói chia chác thì tại sao anh phải động vào làm gì? Mình chỉ cần giữ cho bố thôi.
Thứ hai là nếu anh chia 3 phần, sau này nhỡ có việc gì lại kêu gọi đóng góp để xử lý rất khó khăn, khổ sở. Em nói cho anh nghe, rồi tới lúc đó anh là trưởng, anh sẽ phải cáng đáng phần nhiều.
Thứ ba là chúng ta không tiêu Tết một cách phung phí như vậy được. Tết thì Tết, vẫn cần tiết kiệm. Em nghĩ năm nay chúng ta chi tiêu khôn ngoan một chút, để dành cho những dự định năm mới thì tốt hơn.
Vả lại, anh cầm 100 triệu của bố, cũng nên thông báo cho 2 em trai, để minh bạch tài chính trong nhà. Em tin như thế sẽ đẹp lòng mọi người, mà sau này cũng không xảy ra những chuyện đau lòng, mâu thuẫn".
Sau những phân tích cực kỳ tỉ mỉ của vợ, chồng N. thấy rất an tâm và tỉnh ngộ. Đúng là anh không nhìn xa trông rộng, chỉ nghĩ tới cái lợi trước mắt.
Từ đây, người đàn ông cũng hài lòng và nể phục vợ mình hơn nhiều. Vậy đó, chị em phụ nữ nếu có thể hãy trở thành cố vấn về nhiều mặt cho ông xã nhé!
Theo N.H/Pháp luật và bạn đọc