Sáng 9/3, Bộ Y tế thông báo bác bỏ thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng chỉ mất khoảng 4 - 6 ngày để số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam tăng từ 30 ca lên mức 100 - 500 ca. Theo Bộ Y tế, đây là tin giả do người mạo danh PGS.TS Trần Xuân Bách tung lên mạng xã hội.
Trong khi đó, trên trang mạng xã hội cá nhân, PGS.TS Trần Xuân Bách khẳng định không đưa thông tin này và nhắn nhủ mọi người không chia sẻ thông tin giả.
Trên trang Facebook cá nhân, PGS Trần Xuân Bách cho biết ông không có phát biểu gì ngoài những chia sẻ trên Facebook của mình. "Mọi người chú ý có tin nhắn share message (chia sẻ tin nhắn) nói tôi là thành viên ban chỉ đạo cảnh báo về lây lan COVID-19. Tôi xin khẳng định là Tôi không có vai trò này và không có phát biểu gì ngoài những gì tôi chia sẻ trên Facebook này! Xin mọi người xóa và không share!", PGS Bách viết.
|
Ảnh minh họa. |
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân nên theo dõi thông tin về dịch COVID-19 từ các nguồn tin chính thống để tránh gây hoang mang không cần thiết trong mùa dịch.
Trước đó, mạng xã hội Facebook chia sẻ thông tin rằng "GS Bách thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cho biết: Chúng ta chỉ có tầm 4-6 ngày để nó chuyển giai đoạn từ 30 ca lên mức 100-500 ca! Và khoảng 8-12 ngày (sau khi thiết lập mốc 500) để lên mức 1.000-5.000 ca! Rất cần truyền thông để bà con ở nhà! Hạn chế đi lại một tuần để đợt sóng này biểu hiện lâm sàng hết và khoanh lại!!! Rất ngắn ở mức này".
Ngay sau khi đăng tải, thông tin này được rất nhiều người chia sẻ, một số khá lo lắng và hoang mang. Tuy nhiên, đây là thông tin sai sự thật.
Cùng chung tay chặn đứng dịch bệnh COVID-19!
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khủy tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông. Người dân không đi du lịch đến các nước, khu vực đang có dịch COVID-19.
Thảo Nguyên