Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 hôm 4/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, hiệu quả bảo vệ của các mũi tiêm cơ bản vaccine phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm. Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Hoa Kỳ khuyến cáo việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 vaccine COVID-19, để ngăn ngừa và phòng, chống dịch là hết sức quan trọng.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
“Dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên thế giới, WHO ghi nhận số ca mắc COVID-19 đã tăng tại nhiều quốc gia kể từ tháng 4/2022 và gia tăng chủ yếu do lây lan của biến chủng phụ của Omicoron BA.4 và BA.5.
Vì vậy, nếu khả năng miễn dịch suy giảm trong cộng đồng cùng với việc chủ quan lơ là trong tiêm vaccine cũng như trong phòng chống dịch COVID-19 thì sẽ có nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Hiện đã xuất hiện biến thể BA.5 tại Việt Nam”, bà Liên Hương nói.
Theo thống kê mới nhất đến ngày 4/7, cả nước đã thực hiện tiêm 45.443.004 liều vaccine nhắc lại lần 1 (mũi 3) và 4.635.517 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người từ 18 tuổi trở lên. Với trẻ từ 12-17 tuổi, đã tiêm 928.354 mũi 3 vaccine COVID-19.
Trước việc biến chủng mới BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương, quyết liệt hơn nữa việc đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Theo Trần Ngọc-Thiên Bình/VOV