V gặp được chị D.T.N. (30 tuổi, quê TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) trong một chiều mưa lạnh. Bắt đầu câu chuyện, chị N. tâm sự, mỗi ngày 24 tiếng, dường như là chưa đủ để chị hy sinh, cống hiến cho gia đình.Sau 3 năm lấy chồng, chị từ một cô gái tràn đầy sức sống trở thành người đàn bà da dẻ xanh xao, đôi mắt thâm quầng...
Chị N. trải lòng: “Khi có bầu, tôi nghỉ việc ở nhà nội trợ. Đến nay, lấy chồng được 3 năm nhưng tôi có cảm giác mình như người thừa trong gia đình chồng. Ngoài việc biết chồng kinh doanh bất động sản, tôi không còn biết gì về anh. Chồng không cho tôi can thiệp vào công việc, không cho tôi biết các mối quan hệ cũng như tài chính của anh. Tất cả vốn đầu tư làm ăn, tiền lương, thưởng,... anh đều giấu tôi”.
|
Nhiều đêm chị N. ôm con ngủ nhưng nước mắt cứ tuôn trào (Ảnh minh họa). |
Từ lúc cưới nhau, chị N. chưa một lần được cầm tiền của chồng. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, chồng chị đều là người lo toan, chi trả. Chồng chị gia trưởng lại cậy mình làm ra tiền nên lúc nào cũng lên mặt dạy vợ: “Cô làm cái gì thế, cô phải làm như thế này mới đúng”, “Cô chẳng biết gì cả”,...
“Chồng tôi không coi tôi là người vợ đúng nghĩa để chia sẻ công việc, tình cảm. Anh chỉ muốn tôi sống và làm việc như ô-sin của gia đình. Dù có nhiều thời gian ở nhà nghỉ ngơi nhưng anh chưa một lần giúp vợ làm việc nhà, anh phó mặc hết cho tôi. Dường như, trong tiềm thức của anh, kiếm tiền là việc của đàn ông, bếp núc, nhà cửa là việc của phụ nữ”, chị N. buồn bã.
Chị N. kể, một lần con sốt cao, chị gọi điện cho chồng với mong muốn anh về nhà để cùng chị đưa con vào viện, nhưng đáp lại, chồng chửi chị không ngớt lời. Hết nhiếc móc, anh ta quay sang xỉ vả chị là người đàn bà vô dụng khi có mỗi việc chăm con cũng không xong.
Biết không trông đợi được từ chồng, chị N. ôm con một mình vào viện giữa đêm khuya, khi trở về, chồng chị không chịu xuống mở cửa chỉ vì không muốn nhìn thấy người đàn bà ăn bám.
Chị cho biết, con trai lớn của anh chị bị rối loạn ngôn ngữ đã hơn 1 năm vì dùng điện thoại và máy tính bảng quá nhiều. Chị suy sụp hoàn toàn và bất lực khi biết nguyên nhân khiến con trai mắc bệnh vì thiếu sự quan tâm của cha.
Để được tự do, về đến nhà, anh chỉ vứt cho con chiếc điện thoại, máy tính bảng mà không cần biết như thế sẽ hại con. Đã thế, chồng chị N. không nghe vợ khuyên giải, góp ý. Nhiều lần, chị bị chồng đánh khi phản ứng về cách dạy con một cách vô tâm, vô lý của anh.
“Có lần chồng tôi đi nhậu say về, con quấy khóc đòi cha. Bản tính hay cáu bẳn của anh trỗi dậy. Anh ta mắng con rồi hung hăng đánh tôi bầm mặt. Tôi câm nín, bất lực, vừa khóc tôi vừa ôm con thật chặt để tránh những cú đấm của anh vào người con. Khi tỉnh rượu, tôi hỏi nguyên nhân anh đánh tôi, anh ấy không trả lời mà lẳng lặng bỏ đi”, chị N. cho biết.
Rồi một ngày, sự cam chịu của chị để níu kéo chút hy vọng trong cuộc hôn nhân bất hạnh thêm một lần sụp đổ khi chị phát hiện chồng ngoại tình. Chị không ngờ phía sau cuộc sống được chồng “bao nuôi” lại tủi nhục đến thế.
“Đến giờ, tôi biết, tôi không thể nào níu kéo được cuộc sống này nữa. Ngày lấy chồng, ai cũng mừng cho tôi khi lấy được chồng giàu. Ai cũng nói tôi có số hưởng, được chồng nuôi. Mấy ai biết tôi phải chịu đựng bao nhiêu cay đắng”, chị N. tâm sự.
Trong giây phút tủi nhục nhất cuộc đời, chị N. đã cố gắng cam chịu để tìm cách níu giữ hôn nhân nhưng rồi khi giọt nước tràn ly, họ đã tìm cho mình một lối thoát để bước ra khỏi cuộc sống địa ngục.
Chị N. quả quyết: “Tôi không muốn khi các con lớn lên phải chứng kiến hình ảnh không tốt đẹp về ba của nó. Tôi sẽ lựa chọn cách ra đi mà không đem theo bất cứ thứ gì. Hai đứa con bé bỏng sẽ là động lực cho tôi đứng vững trên con đường khó khăn phía trước”.
Theo Hồng Ngọc/Người Đưa Tin