Bệnh nhân được ghép gan là anh Mai Văn Tuân bị xơ gan do viêm gan b, tiến triển lên ung thư gan từ cuối năm 2013. Anh Tuân đã được mổ cắt gan trái, cắt 2/3 dạ dày từ năm 2014. Tuy nhiên, đến tháng 3 năm nay, do quá mệt mỏi nên anh Tuân đi kiểm tra sức khỏe thì phát hiện ung thư gan tái phát ở gan phải. Bệnh nhân không còn sự lựa chọn nào khác ngoài ghép gan.
|
GS.TS Bùi Đức Phú và các cộng sự kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Tuân sau ca ghép gan. |
Tuy nhiên, việc tìm người cho gan phù hợp để có thể tiến hành ca ghép là điều không hề đơn giản. Gia đình anh Tuân có 4 anh chị em, 3 chị em gái. Mong muốn cứu anh trai, hai người em gái của anh Kiên đã đăng ký hiến gan. Tuy nhiên, 1 trong hai người bị viêm gan B nên không thể thực hiện được việc cho gan, người em gái còn lại thì phù hợp nhưng 1 tuần trước khi ca mổ diễn ra vì chuyện trục trặc gia đình mà không thể cho gan. May thay người em rể đã tình nguyện hiến gan.
GS.TS Bùi Đức Phú cho biết, ca ghép được thực hiện vào ngày 15/4, kéo dài suốt 13 giờ đồng hồ. Hai kíp mổ song song tại phòng mổ của Bệnh viện để có thể thực hiện nhanh nhất việc lấy gan và ghép gan. Nhóm phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhân Mai Văn Tuân gồm các bác sĩ của Bệnh viện Vinmec và các chuyên gia Hàn Quốc do giáo sư Chong Who Chu- chuyên gia ghép tạng hàng đầu thế giới.
“Quyết định thực hiện ca ghép gan cho bệnh nhân là quyết định hết sức cân não của chúng tôi, bởi đây là ca ghép khó, bệnh nhân đã mổ 3 lần, nên nguy cơ dính tạng là rất lớn, đồng thời qua xét nghiệm cho thấy gan của người cũng có một chút yếu tố bất thường về cấu trúc; bất thường đường mật, mạch máu.
Các bác sĩ đã lấy 60% gan bên phải của người cho, sau đó nối lại các mạch máu, chỉnh lại đường mắt mới tiến hành ghép. Đồng thời chọn phương án kỹ thuật khác với phương án kỹ thuật truyền thống”- GS.TS Bùi Đức Phú kể lại.
Theo GS. TS Bùi Đức Phú cho biết, 10 ngày đầu sau ghép gan đầu tiên này, áp lực của ông và các cộng sự rất lớn. Mỗi sáng đi làm, tôi đều “hóng” tin tình hình bệnh hôm trước, rồi đi kiểm tra diễn tiến bệnh. Hiện sức khỏe người được ghép ổn định, bắt đầu đi lại và phục hồi vận động, dự kiến khoảng 1 tuần nữa có thể ra viện.
|
Sau ca ghép gan sức khỏe của bệnh nhân Tuân đã tiến triển tốt hơn. |
Sức khỏe của người người cho gan sống an toàn sau khi lấy gan, phần gan còn lại đang được tái sinh và lấp đầy. Trong câu chuyện kể với chúng tôi bên phòng bệnh của anh vợ, anh Hoàng Trung Kiên (42 tuổi cũng ở Hải Dương)- người cho gan để thực hiện ca ghép đã cho biết, khi thấy sức khỏe của anh vợ giảm sút nghiêm trọng mà gia đình nhà vợ không thể/không đủ điều kiện hiến gan cho anh trai, nên anh Kiên đã quyết định một phần cơ thể mình để mang đến sự sống cho anh trai vợ
“Trước khi quyết định việc này, tôi cũng đã tìm đọc tài liệu về hiến/ghép mô tạng, trong đó có cho gan/hiến gan. Thú thực tôi cũng lo lắng cho sức khỏe của mình liệu có bị giảm sút hay không, rồi tôi lại là lao động chính của cả nhà, rồi mẹ đẻ tôi và các anh, chị em trong gia đình có đồng ý hay không… Tôi cũng đã nhờ người anh trai vận động mẹ và các em ủng hộ cho quyết định của mình bởi gia đình tôi biết tôi vốn tính từ bé đã hay thương người khác, hay chia sẻ với người khác”- anh Kiên nói
Anh Kiên cũng bảo thêm, anh biết là mổ sẽ đau, sức khỏe sẽ giảm không thể được như cũ nhưng quan trọng là mình đã cứu được mạng người.
Đây là ca ghép gan thành công từ người cho sống đầu tiên tại Bệnh viện này và thành công của ca ghép gan này đã đưa Vinmec trở thành bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam làm chủ được kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng
|
Anh Hoàng Trung Kiên- người cho gan đang trò chuyện với phóng viên về quyết định hiến tặng gan của mình cho anh trai vợ ghép gan. |
Được biết, hiện nhu cầu ghép mô, tạng, trong đó có ghép gan ở Việt Nam rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng, ước tính có khoảng 1.500 người đang chờ ghép gan. Từ ca ghép gan từ người cho sống đầu tiên năm 2004 đến nay cả nước mới chỉ có 20 ca; cộng thêm khoảng 40 ca ghép gan từ người cho chết não- những con số này cho thấy số lượng quá ít ỏi so với nhu cầu của người dân.