Hỏi: Tôi chăm sóc gia đình không đến nỗi nào. Bữa sáng, cả nhà ăn quà sáng, bữa trưa ăn uống ở trường hoặc công sở, chiều là bữa ăn sum họp, ấy vậy mà cả nhà tôi ai cũng mập, cứ như thể mang gen béo từ trước vậy. Xin tòa soạn cho biết cách cải thiện tình trạng này - Việt Hòa (quận 7, TPHCM).
|
Ảnh minh họa. |
ThS.BS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục dinh dưỡng: Béo phì có thể phòng tránh được bằng chế độ dinh dưỡng. Nếu cả gia đình bạn hấp thu dinh dưỡng tốt thì nên giảm nguồn năng lượng ăn vào từ chất béo, nguồn năng lượng này chỉ nên ở mức 15% năng lượng.
Tránh tất cả các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như thịt mỡ, nước luộc thịt, bơ, fomat, các món xào rán, não, tim, gan, lòng lợn... Chất đạm có thể từ 15 - 25% năng lượng của khẩu phần. Nhóm bột đường nên sử dụng bánh mỳ đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ để giảm bớt lượng gạo.
Đảm bảo đủ vitamin và muối khoáng, rau quả chín khoảng 400g/ngày. Với trẻ em, khẩu phần ăn cần cân đối, hợp lý, nên phối hợp nhiều loại thức ăn, tránh chỉ ăn một loại thực phẩm nào đó; nên uống sữa không đường, hạn chế các món rán, xào; nên làm các món luộc, hấp, kho, nên nhai kỹ và ăn chậm, ăn đều đặn, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói.
Vì nếu bị quá đói, trẻ ăn trong các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn, nên ăn nhiều vào bữa sáng để tránh ăn vặt, giảm ăn về chiều và tối, nên ăn nhiều rau xanh, quả ít ngọt. Ngoài chế độ ăn cần giúp trẻ tăng cường hoạt động thể lực. So với điều trị bằng chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể lực tỏ ra có hiệu quả hơn, giúp trẻ không béo phì, phát triển chiều cao và duy trì sức khoẻ tốt.
PV (ghi)