Các cách dùng thảo dược điều trị viêm gan mạn

Google News

(Kiến Thức) - Những công thức dùng thảo dược sau giúp điều trị viêm gan mạn hiệu quả, tăng cường hệ miễn dịch.

Một số bài thuốc Nam điều trị viêm gan mạn có tác dụng “nhuận gan, lợi mật, tiêu độc” dùng hỗ trợ chức năng tiêu hóa, gan mật, làm tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ tế bào gan. Đã được áp dụng có hiệu quả trong việc cải thiện bệnh viêm gan mạn, HbsAg (+), men gan cao.
Cây thuốc trong vườn
Diệp hạ châu mỗi ngày sắc uống khoảng 16 - 20g, hoặc dùng cây xuyên tâm liên, lấy 8 - 16g cây khô, đem ngâm vào trong nước sạch một đêm, sau đó lọc bỏ bã, lấy phần nước trong uống mỗi ngày. Cả hai cây thuốc này đều có tác dụng giúp hạ men gan rất tốt và cần phải điều trị thời gian liên tục 1 - 3 tháng.
Bồ công anh có tác dụng lợi mật, giải độc và bảo vệ gan. Mỗi ngày sắc uống 100 - 120g cây khô, uống liên tục nhiều ngày.
Rạ lúa nếp khô 40 - 80g, sắc uống mỗi ngày, uống liên tục nhiều ngày, để chữa viêm gan siêu vi A.
Rau má 40g, kim tiền thảo 40g. Hai vị thuốc uống mỗi ngày, uống liên tục nhiều ngày. Cũng hỗ trợ chức năng tiêu hóa và gan mật, làm tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ tế bào gan.
Nấm linh chi 250g; cam thảo bắc 200g. Hai vị thuốc tán bột, trộn đều. Mỗi ngày lấy 20 - 30g hãm uống thường xuyên.
Chữa men gan tăng cao, kéo dài, dùng bài thuốc thành phần gồm có: Ngũ vị tử 200g; nấm linh chi 200g; đơn sâm 150g và sài hồ bắc 100g. Tất cả các vị thuốc tán bột nhuyễn, trộn với mật ong làm hoàn, mỗi lần uống 10 - 15g, ngày 2 - 3 lần với nước sôi nguội, mỗi liệu trình điều trị 1 tháng, uống liền 3 liệu trình.
Cac cach dung thao duoc dieu tri viem gan man
 
Bài thuốc chữa viêm gan mạn tính
Bài thuốc 1: Rau diếp cá 10 - 20g; rễ cỏ tranh 15 - 30g; cỏ cứt lợn: 8 - 12g; lá mã đề 8 - 12g. Tất cả các vị phối hợp tạo thành một thang thuốc, mỗi ngày sắc uống một thang. Uống liên tục từ 1 - 3 tháng.
Bài thuốc 2: Diệp hạ châu 12g; sâm đại hành 10g; nhân trần nam 10g; thổ phục linh 6g; rau má 10g; quả dứa dại 10g; chi tử 6g; ngũ vị tử 8g; cỏ mực 6g; bạch thược 10g; sinh địa 10g.                                    
Nếu người bệnh có ăn uống kém thêm đẳng sâm 15g, hoàng kỳ 16g, nếu tiêu phân lỏng gia thêm gừng khô 5g, sa nhân 5g, nếu vàng da nhiều tăng liều nhân trần và chi tử. Nếu có nóng sốt thêm sài hồ 8g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, lần đầu sắc cho khoảng 3 bát nước sắc còn 1 bát (200ml), lần 2 cũng sắc như lần trước, còn hơn 1/2 bát. Hòa chung hai nước lại với nhau, rồi chia làm nhiều lần uống trong ngày. Dùng liên tục từ 1 - 2 tháng.
Trong thời gian điều trị bệnh người bệnh nên chủ động giữ tinh thần thoải mái, tránh những lo lắng buồn phiền thái quá về bệnh tật của mình. Nên có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, không nên lao động nặng nhọc quá sức. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nên dùng các thức ăn dễ tiêu hóa như rau đậu, trái cây, sữa, cá thịt nạc cũng nên ăn vừa phải, hạn chế không dùng nhiều dầu mỡ. Không dùng nhiều chất kích thích cay nóng như ớt, tiêu, rượu bia, thuốc lá. 
Giai đoạn chức năng gan đã bị suy yếu, cần thận trọng dùng các thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau paracetamol, các thảo dược như phụ tử, phũ hương, tam lăng, nga truật... Tất cả những loại thuốc này đều có thể gây hại cho người bị viêm gan mạn. Người bệnh nên tham khảo ý kiến các thầy thuốc trước khi dùng.
Tiêm phòng văcxin viêm gan B cho những người có yếu tố nguy cơ và các trẻ sơ sinh. Cần phải khám bệnh định kỳ để được xét nghiệm máu, từ đó có hướng điều trị và phòng chống kịp thời. Khi bệnh viêm gan mạn, nếu biểu hiện sụt cân, bụng to, phù chân, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được đánh giá tình trạng bệnh và điều trị thích hợp.
BSCK I Nguyễn Văn Nghị (Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai)