Cách ăn ngừa tim mạch khi rối loạn lipit máu

Google News

(Kiến Thức) - Rối loạn lipit máu (tăng nhiều cholesterol trong máu) là một trong những nguy cơ hàng đầu của các bệnh tim mạch. Có thể khống chế lượng cholesterol, nhờ việc nhận biết thức ăn làm tăng LDL - Cholesterol.

Thức ăn làm tăng LDL - Cholesterol
Chất béo bão hòa (no): Thường ở thức ăn nguồn gốc động vật (đặc biệt ở mỡ động vật như thịt bò, mỡ bò, thịt lợn (mỡ), thịt cừu, thịt gia cầm béo, bơ, kem, pho mát... và từ một số thực vật như dừa, sữa dừa, dầu dừa, dầu cọ, hạnh nhân, bơ thực vật.
Chất béo không bão hòa dạng trans (TFA hay trans - fatty acids): Chất mỡ không bão hòa thường tốt hơn cho cơ thể, nhưng có hai dạng theo cấu trúc hóa học là dạng cis và trans. Đa số chất béo không bão hòa tự nhiên là dạng cis. Tuy vậy, dạng trans có thể hình thành trong quá trình chế biến thức ăn, chất béo sẽ bị hydro hóa và thường gặp trong quá trình chiên, rán, margarine. Chất này có thể thấy trong các thịt lợn, bò, bơ béo hoặc gặp trong các thức ăn chế biến sẵn như mỳ ăn liền (loại có chiên tẩm), các đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng sẵn có chiên rán... TFA cũng được chứng minh là làm tăng lượng cholesterol máu.
Thức ăn có cholesterol: Có nguồn gốc từ động vật và có nhiều trong lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật...
Chất béo không bão hòa bao gồm loại đơn và loại đa: Các chất này thấy nhiều trong cá, hạt, củ và dầu thực vật. Một vài ví dụ như các thức ăn chứa nhiều loại này là cá hồi, cá chích, quả bơ, quả ô liu, các dầu ăn từ hướng dương, dầu đậu nành, dầu ngô... Loại chất béo không bão hòa này có lợi cho cơ thể khi bạn dùng chúng thay vì dùng loại mỡ bão hòa. Giữ một thành phần trong bữa ăn với chất béo loại này chiếm khoảng 25 - 35% là hợp lý.
 Ảnh minh họa.
Hạn chế tối đa TFA
Để phòng và ngăn rối loạn lipit máu gây nguy cơ tim mạch nên thực hiện chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít cholesterol, hạn chế tối đa TFA. Tốt nhất nên an nhiều rau, hoa quả (nhiều lần trong ngày); ăn các loại ngũ cốc thay đổi và chế biến thô (bánh mỳ đen, gạo thô...); uống sữa không béo; thịt nạc hoặc thịt gia cầm không da; cá béo (nhiều dầu), ăn ít nhất 2 lần/tuần; đậu và đậu Hà Lan; các loại hạt (số lượng hạn chế 4 - 5 lần/tuần); dầu thực vật không bão hòa (dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành...), nhưng không ăn bơ thực vật chế biến từ chúng.
Nên hạn chế ăn mỡ động vật, thịt động vật chưa lọc mỡ; sữa béo (nguyên kem); lòng đỏ trứng, bơ, pho mát béo và các đồ ăn chế biến từ chúng; thịt vịt và ngỗng béo (nuôi công nghiệp); bánh làm từ lòng đỏ trứng và mỡ bão hòa; phủ tạng động vật (gan, thận, óc, lá lách...); các loại đồ ăn chế biến sẵn nhiều chất béo như xúc xích, salami...; dầu thực vật nhiều chất béo bão hòa như dầu dừa, dầu cọ, dầu hạnh nhân...; các bơ thực vật; các đồ ăn chiên rán sẵn, đồ ăn nhanh (bao gồm cả mỳ ăn liền)...
Ngoài ra, cần tập luyện mỗi ngày 30 phút, bỏ hút thuốc lá, giảm cân nếu thừa, tránh lối sống tĩnh tại và tránh căng thẳng. 
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng (Tổng Thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam)