Do stress gây nên
Theo đại diện của nữ ca sĩ Hương Tràm, thời gian gần đây Hương Tràm liên tục rơi vào trạng thái stress, căng thẳng đến mất ngủ. Mỗi lần như vậy, cô đều tự mình bóc da tay đến mức rỉ máu.
Hành động ca sĩ Hương Tràm tự bóc da tay khiến đôi bàn tay của cô bong tróc, trầy xước được cho là do cô mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân.
|
Hương Tràm và hình ảnh đôi tay bong tróc - ảnh Internet |
Trong một hội thảo truyền thông về hội chứng này, TS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các bệnh nhân mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân thường có các biểu hiện như: tự rạch da thịt chảy máu, giật tóc, lao đầu vào tường, tự đánh mình bị thương… phần lớn đều xuất phát từ stress. Hội chứng này thường gặp chủ yếu ở nữ giới, nhưng hiện nay đã xuất hiện cả ở nam giới và ở mọi lứa tuổi.
Tự ngược đãi bản thân là hội chứng bệnh mà người mắc bệnh thích tự làm đau cả về thể chất và tinh thần của mình, sau mỗi lần tự làm tổn hại bản thân người bệnh thấy tâm trạng thoải mái hơn nên có xu hướng tái diễn hành động đó để giải phóng sự ức chế.
Hội chứng tự ngược đãi bản thân giống như Hương Tràm mắc phải có thể sớm nhận biết, ngoài việc tự gây đau, làm tổn thương cả thể chất và tinh thần thì bệnh nhân còn có các biểu hiện như: các stress về tâm lý kéo dài, cảm thấy bất mãn, luôn căng thẳng. Thêm vào đó, còn có các biểu hiện như: buồn bã, chán nản, rối loạn giấc ngủ, dễ cáu giận, luôn có cảm giác ức chế; tim đập nhanh, hay bị đánh trống ngực, cơ bị run mỏi, cảm thấy có cục ở họng, khó nuốt, vã mồ hôi… Những người hay bị hội chứng này là những người có nét nhân cách dễ bị tổn thương, cụ thể như: người cầu toàn, hay đòi hỏi; người hay lo lắng; những người hay phô trương,…
Không có cách nào tốt nhất để điều trị hành vi
Theo thông tin trên trang web y tế Mayo Clinic (Hoa Kỳ), không có cách nào tốt nhất để điều trị hành vi tự gây thương tích, nhưng việc đầu tiên cần làm là nói với ai đó để bạn có thể được giúp đỡ. Phác đồ điều trị dựa trên các vấn đề cụ thể của bạn và bất kỳ tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan nào bạn có thể có, chẳng hạn như trầm cảm. Nếu hành vi tự gây thương tích có liên quan đến rối loạn sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm hoặc rối loạn nhân cách ranh giới, thì kế hoạch điều trị tập trung vào rối loạn đó, cũng như hành vi tự gây thương tích.
Các liệu pháp tâm lý trị liệu có thể giúp:
Xác định và quản lý các vấn đề cơ bản kích hoạt hành vi tự gây thương tích
Tìm hiểu kỹ năng để quản lý tốt hơn tình trạng đau khổ
Tìm hiểu cách điều chỉnh cảm xúc của bạn
Tìm hiểu cách tăng cường hình ảnh của bạn
Phát triển kỹ năng để cải thiện mối quan hệ và kỹ năng xã hội
Phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề lành mạnh
Một số loại liệu pháp tâm lý cá nhân cũng có thể hữu ích.
Thuốc men
Không có thuốc nào để điều trị một cách cụ thể hành vi tự gây thương tích. Tuy nhiên, nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu, bác sĩ có thể đề nghị thuốc chống trầm cảm hoặc các loại thuốc khác để điều trị rối loạn cơ bản có liên quan đến tự gây thương tích. Điều trị các rối loạn này có thể giúp bạn cảm thấy ít bị ép buộc phải tự làm tổn thương bản thân.
Phong cách sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Ngoài những biện pháp điều trị tâm lý chuyên nghiệp, ThS. tâm lý Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm tư vấn bồi dưỡng kỹ năng mềm, khuyên bạn một số mẹo tự chăm sóc quan trọng:
Tuân thủ kế hoạch điều trị. Giữ đúng các cuộc hẹn trị liệu và uống thuốc theo chỉ dẫn.
Nhận biết các tình huống hoặc cảm xúc có thể kích hoạt mong muốn tự gây thương tích của bạn. Lập sẵn kế hoạch những cách làm dịu hoặc làm sao lãng bản thân hoặc để nhận được sự hỗ trợ. Như vậy bạn có thể sẵn sàng trong lần tiếp theo khi cảm thấy thôi thúc muốn tự gây thương tích.
Yêu cầu giúp đỡ. Giữ liên lạc với bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần của bạn và nói cho họ biết về tất cả các sự cố liên quan đến tự gây thương tích. Chỉ định một thành viên gia đình đáng tin cậy hoặc bạn bè là người bạn sẽ liên lạc ngay lập tức nếu bạn có khả năng tự làm tổn thương hoặc nếu hành vi tự gây thương tích tái diễn.
Chăm sóc bản thân. Rèn thói quen hoạt động thể chất hoặc bài tập thư giãn hàng ngày. Ăn uống lành mạnh. Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn nếu bạn có vấn đề về giấc ngủ, có thể ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của bạn.
Tránh uống rượu và các loại thuốc có tính kích thích. Chúng ảnh hưởng đến khả năng đưa ra quyết định đúng đắn và có thể khiến bạn có nguy cơ tự gây thương tích.
Hãy chăm sóc thích hợp vết thương của bạn nếu bạn làm tổn thương chính mình hoặc tìm kiếm điều trị y tế nếu cần thiết.
Những cách loại bỏ căng thẳng trong cuộc sống
Thư giãn, kiểm soát cơ thể, chế độ dinh dưỡng lành và luyện tập khoa học là những biện pháp đơn giản nhất để đẩy lùi stress.
Luyện tập yoga: Những bài tập yoga đơn giản có thể giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng, ngăn ngừa trầm cảm.
Thiết lập chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Chế độ dinh dưỡng với đầy đủ dưỡng chất vừa giúp cải thiện miễn dịch, tăng cường sức khỏe vừa giúp cải thiện hoạt động của não bộ, làm dịu hệ thần kinh.
Một số loại thực phẩm như trà xanh, rau củ quả, hạt óc chó, chocolate đen… có thể giảm căng thẳng hiệu quả nhờ khả năng thúc đẩy sản sinh hormone serotonin trong cơ thể, giúp nâng cao tâm trạng và làm dịu hệ thần kinh.
Nghỉ ngơi hợp lý: Chế độ nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp thư giãn hệ thần kinh và hồi phục năng lượng đã tiêu hao trong ngày. Bạn cần đảm bảo ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày để giảm stress và ngăn ngừa lão hóa.
An Lê