Dù mới tẩy và nhuộm tóc đợt lễ Noel, Tuấn Anh (TP.HCM) vẫn quyết định sẽ đổi màu tóc để chơi Tết. Đây là lần thứ 3 trong năm chàng trai 25 tuổi này tẩy tóc.
Tuấn Anh không sợ tóc hư tổn vì "là con trai đơn giản lắm, chán tóc tẩy thì cạo đầu, chờ vài tháng lại có tóc dài ngay".
Liên tục đổi màu tóc
Mỗi lần đi làm tóc, Tuấn Anh thường được tẩy tóc 2 bước mới có thể lên màu. Những lần đầu tiên tẩy nhuộm, da đầu đau rát như sắp bong tróc. Tuy nhiên, với người có "thâm niên" chơi tóc tẩy như Tuấn Anh, cảm giác đau rát khi tẩy "không mấy xi nhê".
Một lần gần đây, vì quá ham tẩy và nhuộm màu nổi liên tục, tóc Tuấn Anh hỏng đến mức gần như hói đầu.
|
Sau mỗi lần nhuộm màu tẩy, Tuấn Anh sẽ cạo đầu để dưỡng lại tóc. Ảnh: NVCC. |
Một lần khác, vì muốn tiết kiệm, cậu đặt mua thuốc rồi tự tẩy nhuộm ở nhà. Tuy nhiên, không biết có vấn đề gì trong quá trình thao tác, tóc lên sai màu, không phải xanh pastel mà lên màu xanh dương.
"Mình lại phải đội mũ như lần suýt hói đầu năm ngoái. Đội mãi khoảng một tháng, tóc mới chịu phai ra màu rêu, mình mới bớt stress", cậu nói.
Đến hiện tại, Tuấn Anh vẫn không từ bỏ đam mê tẩy nhuộm. Năm nay, chàng trai 25 tuổi cũng ý thức chăm sóc tóc hơn, chọn làm ở các salon uy tín và đầu tư sử dụng thêm các loại dầu gội - xả chuyên dụng dù giá chát hơn bình thường.
Cẩn thận hóa chất độc trong bột tẩy tóc
Theo ThS.BS Lê Thanh Hiền, khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, màu tóc tự nhiên của con người được tạo nên bởi các hạt sắc tố (hạt màu) gọi là melanin. Tẩy tóc là loại bỏ các hạt melanin ra khỏi sợi tóc để làm cho sợi tóc sáng màu lên.
Do đó, sau khi tẩy, tóc sẽ có những biến đổi bình thường như khô xơ do bị thay đổi cấu trúc sợi tóc.
Ngoài ra, tóc một số người trông dày hơn sau khi tẩy là do bột tẩy khiến vỏ sợi tóc phồng lên. Tuy nhiên, loại hóa chất này cũng phá vỡ 15-20% các sợi protein của tóc (chủ yếu keratin), khiến tóc yếu hơn, dẫn đến gãy rụng.
Trong trường hợp nghiêm trọng, người làm có thể bị bỏng da đầu do sử dụng chất tẩy mạnh kết hợp với các biện pháp tạo nhiệt để thúc đẩy quá trình tẩy tóc.
|
Một bệnh nhân phải phẫu thuật ghép da vì hoại tử vùng da đầu do tẩy tóc. Ảnh: Bệnh viện Da liễu Trung ương. |
Một số hóa chất trong chất tẩy tóc có độc tính cao và có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu không may nuốt hoặc dính phải thuốc tẩy trên da, mắt, người làm có nguy cơ nhiễm độc.
Lúc này, nạn nhân sẽ có các biểu hiện tiêu chảy, đau bụng, khó thở, nói ngọng, hạ huyết áp, đi loạng choạng, bỏng rát ở họng (nếu nuốt) hoặc bỏng rát ở mắt (nếu bị bắn vào mắt).
Do đó, bác sĩ Hiền khuyến cáo mọi người nên chọn tẩy tóc bởi những người được đào tạo bài bản, không nên tự thực hiện tại nhà.
Nếu cần phải tẩy 2 lần trở lên để có màu tóc mong muốn, mọi người không nên quá nôn nóng. Để đảm bảo không gây hại cho sức khỏe và ảnh hưởng đến chất lượng tóc, bạn cần chờ ít nhất 14 ngày giữa 2 lần tẩy tóc liên tiếp.
Ngoài ra, theo bác sĩ Hiền, mọi người cũng không nên sử dụng các biện pháp thúc đẩy nhanh, mạnh quá trình tẩy tóc như băng bịt kín kết hợp dùng nhiệt hoặc chất tẩy với nồng độ cao, vượt quá với nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất.
Nếu cảm thấy quá khó chịu trong khi tẩy tóc, mọi người nên ngừng tẩy ngay và đến cơ sở y tế gần nhất hoặc chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn.
Sau khi tẩy tóc, nếu phát hiện các vết rát đỏ, mụn nước hoặc cảm giác ngứa nhiều, bỏng rát, các bạn cũng cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Ở thể nặng như bị hoại tử da đầu do tẩy tóc, người bệnh buộc phải trải qua phẫu thuật cắt lọc loại bỏ tổ chức hoại tử, laser hoặc plasma lạnh tại tổn thương, hoặc phẫu thuật ghép da, chuyển vạt để che phủ ổ khuyết da đầu.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Linh Thùy/Znews