Cảnh báo tình trạng tẩy xóa, thay đổi hạn dùng của thuốc: Cục QLD vào cuộc

Google News

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược.

Cảnh báo hành vi tẩy xóa, thay đổi hạn dùng của thuốc chữa bệnh
Cụ thể, trong thời gian vừa qua, qua công tác hậu kiểm, Cục Quản lý Dược đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh dược có vi phạm về việc "bán buôn thuốc thành phẩm cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc", trong đó có các thuốc có hạn dùng còn lại ngắn, đã tạo điều kiện cho một số đối tượng có hành vi tẩy xóa, thay đổi hạn dùng của thuốc để đưa ra lưu hành trên thị trường.
Canh bao tinh trang tay xoa, thay doi han dung cua thuoc: Cuc QLD vao cuoc
 Ảnh minh họa: Getty. 
Cục Quản lý Dược đã xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh dược có hành vi "bán buôn thuốc thành phẩm cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc" theo thẩm quyền; các đối tượng vi phạm đã bị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng phục vụ công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh do COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai phổ biến cho các cơ sở kinh doanh dược đóng trên địa bàn các quy định pháp luật về dược, quy định về quản lý chất lượng thuốc.
Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp dược trên địa bàn phải tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dược.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong kinh doanh thuốc.
"Sở Y tế tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp bán thuốc cho cơ sở không đúng với phạm vi kinh doanh trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc mua thuốc của cơ sở không đúng với phạm vi kinh doanh trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; bán thuốc cho cơ sở không có chức năng kinh doanh dược; kinh doanh thuốc quá hạn dùng…", Cục Quản lý Dược yêu cầu. 
Kiểm soát chất lượng, hạn dùng của thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường
Đối với các cơ sở kinh doanh dược, Cục Quản lý Dược yêu cầu thực hiện nghiêm các qui định pháp luật về dược, áp dụng đầy đủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt" trong bảo quản thuốc (GSP), phân phối thuốc (GDP) và các biện pháp thích hợp khác nhằm duy trì chất lượng của thuốc.  Chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc, hạn dùng của thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường. Thường xuyên cập nhật văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dược. 
Tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ pháp lý của khách hàng, thực hiện chỉ bán thuốc cho các cơ sở kinh doanh dược có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược với phạm vi kinh doanh phù hợp. 
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các địa phương cập nhật đầy đủ thông tin các thuốc do cơ sở kinh doanh lên Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia theo đúng Quyết định số 412/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy chế tạm thời quản lý, sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia và Quyết định số 3597/QĐ-QLD của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tạm thời quản lý, sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia...
Được biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế liên tục phát đi các cảnh báo về thuốc giả, đặc biệt là thuốc điều trị COVID-19 giả. Một số tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc phòng chống COVID-19 không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc được quảng cáo không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Một số đơn vị "lợi dụng tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi".
Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội và Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện hàng trăm hộp "thuốc điều trị COVID-19" không rõ nguồn gốc. Khi tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, cảnh sát đã phát hiện hàng trăm hộp thuốc được cho là có thể dùng điều trị bệnh nhân COVID-19. Chủ cơ sở khi làm việc với nhà chức trách không xuất trình được các hoá đơn, chứng từ liên quan. Chủ cơ sở khai "không biết gì về y dược", mua các hộp thuốc "trôi nổi" với giá 100.000 đến hai triệu đồng, về rao bán giá gấp đôi để kiếm lời.
Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường cho biết lợi dụng tình hình COVID-19 phức tạp nhiều người đã nhập lậu các mặt hàng không rõ nguồn gốc bán kiếm lời. Để qua mặt cảnh sát, kẻ gian thường dùng mạng xã hội để rao bán và chọn những nơi khó phát hiện làm kho cất giấu hàng.

>>> Mời độc giả xem thêm video: Bê bối thuốc giảm cân tại Pháp (Nguồn video: THĐT)

PV