Cảnh giác với biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi ở trẻ nhỏ

Google News

Trẻ em không được tiêm phòng và suy dinh dưỡng có nguy cơ cao gặp biến chứng nguy hiểm khi mắc sởi như nhiễm trùng tai, viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong.

Canh giac voi bien chung nguy hiem cua benh soi o tre nho

Trẻ nhỏ có nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm khi mắc bệnh sởi. Ảnh: Sharecare.

Sởibệnh truyền nhiễm cấp tính do virus rubeola gây ra. Bệnh rất dễ lây lan và có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em dưới 2 tuổi.

Bệnh sởi lây lan qua đường truyền nhỏ giọt từ mũi, họng và miệng của người bị nhiễm virus. Những giọt nước này bắn ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Trong số những người chưa được chủng ngừa tiếp xúc với virus, hơn 90% sẽ mắc bệnh.

Triệu chứng phổ biến

Theo Hindustan Times, bác sĩ Sanjeev Dutta, chuyên gia tư vấn nhi khoa, Bệnh viện Marengo QRG, Faridabad (Ấn Độ), cho biết căn bệnh này bắt đầu với những cơn sốt rất cao, sau đó vài ngày là những nốt ban đỏ nhỏ trên mặt và sau tai, dần lan ra khắp cơ thể; mắt và khoang miệng cũng trở nên đỏ.

Theo Mayo Clinic, các dấu hiệu và triệu chứng bệnh sởi xuất hiện khoảng 10 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Nhiễm trùng xảy ra trong các giai đoạn hơn 2 đến 3 tuần. Một người mắc bệnh sởi có thể truyền virus cho người khác trong khoảng 8 ngày, bắt đầu từ 4 ngày trước khi phát ban xuất hiện và kết thúc khi phát ban đã xuất hiện được 4 ngày.

Biến chứng nguy hiểm

Trẻ em không được tiêm phòng và suy dinh dưỡng có nguy cơ cao mắc các bệnh đe dọa tính mạng do sởi, có thể gây tử vong hoặc tàn tật. Trẻ nhiễm sởi bị suy giảm khả năng miễn dịch và do đó có thể dẫn đến các biến chứng bao gồm:

Tiêu chảy và nôn mửa: Đây là biến chứng phổ biến nhất có thể dẫn đến mất nước quá nhiều trong cơ thể. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 1/12 bệnh nhân sởi.

Nhiễm trùng tai: Một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh sởi là nhiễm trùng tai do vi khuẩn. Khoảng một trong 14 người mắc bệnh sởi sẽ bị nhiễm trùng tai. Điều này xảy ra chủ yếu ở trẻ em. Nhiễm trùng tai không chỉ gây khó chịu mà còn có thể dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn.

Viêm phế quản, viêm thanh quản: Bệnh sởi có thể dẫn đến kích ứng và sưng tấy (viêm) đường hô hấp (viêm thanh khí phế quản). Nó cũng có thể dẫn đến viêm các thành bên trong lót đường dẫn khí chính của phổi (viêm phế quản). Bệnh sởi cũng có thể gây viêm thanh quản (viêm thanh quản).

Canh giac voi bien chung nguy hiem cua benh soi o tre nho-Hinh-2

Trong số những trẻ chưa được chủng ngừa tiếp xúc với virus, hơn 90% sẽ mắc bệnh. Ảnh: Healthline.

Viêm phổi: Bệnh sởi thường có thể gây nhiễm trùng phổi (viêm phổi). Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có thể phát triển một loại viêm phổi đặc biệt nguy hiểm mà đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong liên quan bệnh sởi ở trẻ em.

Viêm não: Khoảng một trong 1.000 người mắc bệnh sởi có thể bị biến chứng viêm não - não bị kích thích và sưng. Tình trạng này có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người có hệ miễn dịch yếu. Viêm não có thể xảy ra ngay sau khi bị sởi hoặc cho đến vài tháng sau. Các triệu chứng bắt đầu trung bình 6 ngày sau khi xuất hiện ban sởi, bao gồm: Sốt, nhức đầu, cứng cổ, buồn ngủ, nôn mửa, co giật và hôn mê. Viêm não có thể gây tổn thương não vĩnh viễn.

Biến chứng ở phụ nữ mang thai: Nếu đang mang thai, bạn cần đặc biệt lưu ý để tránh bệnh sởi vì có thể gây sinh non, nhẹ cân và thai nhi tử vong.

SSPE (viêm não xơ cứng bán cấp): Đây là biến chứng của bệnh sởi có thể xảy ra nhiều năm sau khi mắc bệnh ban đầu. Căn bệnh thoái hóa này ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương khiến trẻ bị tổn thương não không hồi phục. Các triệu chứng bao gồm khó suy nghĩ, nói lắp, loạng choạng, ngã, co giật và cuối cùng là tử vong.

Cách phòng ngừa và điều trị

"Phương pháp điều trị là đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng dung dịch bù nước đường uống và các chất lỏng khác cũng như thuốc hạ sốt paracetamol để kiểm soát cơn sốt. Bệnh sởi có thể biến chứng thành viêm phổi và nhiễm trùng tai, có thể cần được điều trị thích hợp và thậm chí phải nhập viện", bác sĩ Dutta nói.

Căn bệnh này có thể ngăn ngừa bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh sởi là vaccine sởi - quai bị - rubella (MMR). Vaccine MMR cung cấp sự bảo vệ lâu dài chống lại tất cả chủng sởi.

Trẻ cần tiêm 2 liều vaccine MMR để được bảo vệ tốt nhất:

- Liều đầu tiên khi trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi.

- Liều thứ hai từ 4 đến 6 tuổi.

Nếu gia đình bạn đi du lịch nước ngoài, các khuyến nghị về vaccine sẽ khác một chút:

- Nếu bé từ 6 đến 11 tháng tuổi, nên tiêm một mũi vắc xin MMR trước khi đi.

- Nếu trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên cần tiêm 2 mũi vaccine MMR (cách nhau ít nhất 28 ngày) trước ngày khởi hành.

Một loại vaccine khác là sởi - quai bị - rubella - thủy đậu (MMRV), bảo vệ chống lại 4 bệnh, cũng có sẵn cho trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi. 

Theo Phương Mai/Zing.vn