Đã qua rồi những ngày mà lũ trẻ cấp I, cấp II được thong thả đạp xe đến trường, nô đùa ngoài đồng ruộng. Ngày nay, hầu như trẻ em thành thị chỉ đơn giản là cắm mặt vào các tiện ích công nghệ như điện thoại, máy tính bảng... Trong khi cha mẹ bận rộn với cơm áo gạo tiền.
Thế nhưng, để trẻ tiếp xúc quá sớm với công nghệ có thể để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng về thể chất lẫn tinh thần. Câu chuyện dưới đây chính là ví dụ.
|
Ảnh minh họa. |
Theo Oriental Daily, một chú bé khoảng 9 - 10 tuổi ở thành phố Hợp Phì, Trung Quốc, đã bị lác mắt sau khi chơi game trên điện thoại ròng rã 10 tiếng/ngày trong kỳ nghỉ hè.
Theo lời người cha, anh quá bận rộn với công việc nên không có nhiều thời gian dành cho con. Hễ hở ra là cậu con trai sẽ chộp lấy điện thoại và chơi game, điều này đặc biệt nghiêm trọng vào những tháng nghỉ hè rảnh rang.
Chơi điện thoại trung bình 10 tiếng/ngày, sự ham mê của cậu bé dần biến thành thói quen cực xấu. Mỗi khi bị tước mất điện thoại là chú nhóc lại cau có, khó chịu, thậm chí là la hét.
Sau những tháng nghỉ hè, người cha nhận ra con trai mình đã bị... lác.
Khi đưa con đến bệnh viện, các bác sĩ đã khuyên cậu bé nên ngừng chơi điện thoại trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, cậu nhóc 10 tuổi nói luôn rằng "cháu không thể ngừng chơi game".
Theo các bác sĩ ở bệnh viện thành phố Hợp Phì, khi trẻ em được tiếp xúc với thiết bị công nghệ quá sớm, nhãn cầu của các cháu sẽ bị ức chế, gây tác động tiêu cực đến khả năng tập trung của giác mạc và thủy tinh thể dẫn đến cận thị và các tật về mắt, ví dụ như bị lác như cậu bé nói trên.
Lác (hay lé) là bệnh lý ở mắt do sai trục thị giác. Cần xác định xem lác mắt do bẩm sinh (dưới 6 tháng tuổi) hay do nguyên nhân khác. Tùy vào tình trạng mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau như đeo kính, thấu kính, che mắt, làm mờ một bên mắt hoặc phẫu thuật điều chỉnh cơ vận động của nhãn cầu.
Theo PV/Helino