Theo trang Sohu đưa tin, một cậu bé 2 tuổi ở Phú Thiên, Phúc Kiến, Trung Quốc sau khi ăn ốc đã bị trúng độc, trở thành người sống thực vật.
Cậu bé Tiểu Khang và ông nội đi ăn ốc, sau đó 2, 3 tiếng, hai ông cháu bắt đầu có biểu hiện toàn thân suy yếu. Sau khi được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu, ông nội đã hồi phục, nhưng Tiểu Khang vì tuổi còn nhỏ, sức đề kháng kém, đồng thời cậu bé ăn tương đối nhiều ốc nên tình trạng bệnh rất nghiêm trọng.
Thời gian trong bệnh viện, cậu bé xuất hiện tình trạng khó thở và ngưng tim. Bác sĩ cho biết, khó loại trừ khả năng Tiểu Khang rất có thể trở thành người sống thực vật, để lại di chứng thần kinh nghiêm trọng. Sau khi tìm hiểu, bác sĩ được biết loại ốc 2 ông cháu ăn tên là ốc bùn răng cưa.
|
Bé trai 2 tuổi phải sống thực vật vì ngộ độc ốc. |
Bác sĩ Vương Hậu Hưng, Phó Khoa cấp cứu của Bệnh viện nhân dân số 1 thành phố Phúc Kiến nói: Ốc bùn răng cưa là một loại ốc bùn, tên khoa học Nassarius papilosus, có chứa độc tố tetrodotoxin, đây là loại độc tố làm tổn thương đến hệ thần kinh, nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do sự thay đổi môi trường biển và sự xuất hiện thường xuyên thủy triều đỏ độc hại, dẫn đến sản sinh độc ở các loại tảo và xác chết của động vật biển, khi ốc ăn các loại xác chết này thì các độc tố vẫn tồn tại trong dạ dày và tích tụ thành tetrodotoxin. Tetrodotoxin độc hơn rất nhiều so với thạch tín, chỉ cần ăn khoảng 0,5mg cũng có thể gây tử vong.
Chuyên gia khuyến cáo khi bị ngộ độc thực phẩm như sau:
- Gây nôn: Để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn.
- Cho người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi: Sau khi người bệnh nôn và đi ngoài thì cơ thể sẽ bị mất nước. Chính vì vậy cần tiến hành bù nước cho người bệnh bằng cách cho uống nhiều nước lọc, uống nước oresol hoặc uống nước gạo rang để bù nước cho người bệnh.
- Gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất: Dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào, nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Theo Min Min/Khỏe Đẹp