|
Ảnh minh họa: Internet |
Vợ chồng tôi được tiếng là cư dân có thâm niên lâu nhất ở khu lao động này. Ngày mới từ quê lên tôi có bầu đứa con gái lớn được 4 tháng vậy mà bây giờ nó đã học lớp 2, lại làm chị của cô em gái út năm nay sắp tròn 5 tuổi. Chồng tôi 31 tuổi còn tôi 28 tuổi, anh theo nghề thợ xây, tôi chạy chợ buôn bán hoa quả, tuy có vất vả nhưng công việc ổn định nên vợ chồng tôi cũng kiếm được đồng ra, đồng vào để chi tiêu và lo cho các con ăn học.
Đã gọi là xóm trọ thì chuyện người đi, kẻ đến là bình thường, vì vậy có khi trong 1 năm hàng xóm của vợ chồng tôi thay mới đến vài bận, được cái đều là dân lao động nghèo, rời quê lên thành phố kiếm miếng cơm, manh áo nên mọi người trong xóm trọ thương yêu, đùm bọc nhau rất chân thành. Ai gặp khó khăn, cơ nhỡ hay trong nhà có người không may bị đau ốm, tai nạn đều được cả xóm quan tâm, chung tay sẻ chia, giúp đỡ... Do đó vợ chồng tôi cũng như mọi thành viên trong xóm trọ coi nhau như người thân, như người cùng làng, tối lửa tắt đèn có nhau.
Cách đây hai năm gia đình chú Khang là hàng xóm của nhà tôi trả nhà trọ để về quê vì bố mẹ chú già yếu, cần có các con để chăm sóc. Tiễn vợ chồng, con cái chú Khang tuần trước, tuần sau xóm trọ của chúng tôi đã có cư dân mới, đó là cô Xuyến 29 tuổi, làm nghề bán thịt lợn ở chợ trên phố.
Xuyến vóc dáng thô kệch, nhưng được nước da trắng hồng và khuôn mặt ưa nhìn cùng thái độ thân thiện, dễ gần nên nhanh chóng lấy được cảm tình của những người trong xóm trọ. Mỗi lần bán xong hàng Xuyến đều dành ít tiền mua quà cho mấy đứa trẻ trong xóm, nên không phải chỉ hai đứa con nhà tôi mà lũ trẻ trong xóm đều quý mến Xuyến, đều mong cô Xuyến như mong mẹ đi chợ về...
Thỉnh thoảng gặp dịp chồng tôi ở nhà, Xuyến lại sang nhỏ nhẹ nhờ chồng tôi giúp lúc thì sửa vòi nước bị rò, lúc trát mấy chỗ tường bị bong tróc. Xuyến chẳng để chồng tôi làm không công, cô khéo léo khi biếu cân thịt nạc làm ruốc cho bọn trẻ, khi vài món lòng lợn ngon để chồng tôi nhắm rượu. Khi thân tình tôi hỏi Xuyến sao không lấy chồng, có con sau về già còn nhờ cậy. Xuyến thật thà cho biết gia cảnh bố mẹ ở quê còn nghèo khổ, lại thêm ông bà nội già yếu, bệnh tật cùng ba đứa em đã có chồng, có vợ, có con nhưng cũng lo bữa sáng, lo bữa trưa nên Xuyến đành gác tình riêng chạy chợ giúp đỡ gia đình.
Thông cảm với hoàn cảnh của Xuyến, tôi coi Xuyến như em, có gì vui buồn chị em đều chia sẻ cho nhau. Thế rồi cái tin cô Xuyến không chồng mà chửa lan ra khắp xóm trọ, người dè bỉu, chê bai, người chép miệng cho qua, còn tôi không ủng hộ nhưng cũng không tham gia phán xét gì, tôi vẫn chạy qua chạy lại giúp đỡ Xuyến khi em cần cho đến ngày Xuyến sinh một bé trai bụ bẫm, dễ thương.
Khi con trai Xuyến tròn tháng thì tôi thật ngỡ ngàng vì chồng đề nghị để anh nhận thằng bé làm con nuôi. Tôi tỏ ý phản đối nhưng chồng bảo anh đã quyết, vì bấy lâu nay anh coi Xuyến như người trong nhà, nên anh mong tôi rủ lòng thương, cho thằng bé có được cái họ mà khai sinh, để Xuyến được ngẩng mặt với đời là không chồng nhưng con trai cũng có họ, có tên như những đứa trẻ đủ cha, đủ mẹ khác.
Chuyện chưa ngã ngũ ra sao thì chiều hôm qua, bán hết hàng sớm, tôi tranh thủ ghé thăm mẹ con Xuyến. Từ ngoài cửa tôi đã nghe tiếng Xuyến sụt sịt với ai đó rằng: "Anh làm thế nào thì làm, anh hứa cho mẹ con em danh phận, em mới giữ lại để đẻ...". Tò mò tôi ghé mắt nhìn xem người đàn ông bị Xuyến bắt đền đó là ai thì mắt tôi hoa lên, chân đứng không vững vì người đang ôm Xuyến vào lòng chính là chồng tôi.
Theo AN TRÍ/Tiền phong