Em gái họ của tôi dẫn bạn trai đến nhà chơi. Theo như lời giới thiệu của em, đó là một chàng 32 tuổi, tính tình hiền lành, có công việc ổn định, "cái gì cũng đủ chỉ thiếu mỗi cô vợ".
Ngay ngày hôm sau, em gái họ chủ động liên lạc mời tôi đi uống cà phê tại một quán bình dân. Mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ, chàng cũng biết cách nói chuyện khiến cuộc gặp gỡ rất vui vẻ cho đến lúc gọi tính tiền thì chàng bảo cần phải vào nhà vệ sinh.
Vài lần sau, lúc thì chúng tôi cùng đi ăn, cùng đi vui chơi, giải trí ở trung tâm thương mại nào đó nhưng cứ đến lúc tính tiền thì chàng lại vào nhà vệ sinh hoặc lấy cớ nghe điện thoại mặc dù tôi biết không hề có ai gọi điện đến.
|
Ảnh: Kizlarsoruyor |
Anh chàng khá vô tư, ăn uống nhiệt tình, tham gia câu chuyện của tôi theo kiểu tán đồng nhiều hơn là phản biện. Dĩ nhiên là sau đó tôi đã chủ động từ chối lời mời.
Một thời gian sau đó, em gái họ tìm đến tôi với vẻ héo mòn sầu úa, em nói: "Chúng em chia tay rồi chị ạ". Theo lời em, từ ngày quen nhau đến lúc chia tay, hai người cùng đi uống caphe, xem phim, nghe nhạc, ăn uống… Bất cứ lúc nào em cũng là người trả tiền.
"Phụ nữ khi yêu mà chị, chẳng tính toán thiệt hơn. Tất cả các ngày lễ, khi các cô gái khác được tặng hoa, quà thì em chẳng có gì. Vào dịp 20/10 vừa rồi em cảm thấy chạnh lòng bèn đòi một cành hoa dù nhỏ thôi cũng được. Anh ấy dừng xe, mua đúng một bông hoa hồng gói trong giấy bóng giá 10.000 đồng nhưng người chịu trách nhiệm trả tiền bông hoa ấy lại chính là người được tặng.
Trong khi anh ta lại là người rất sành điệu, nơi nào có món ăn ngon, thức uống bổ dưỡng hay bán áo quần đẹp là anh ấy biết tất nhưng chả bao giờ trả tiền. Đã thế anh còn ngon ngọt bảo em cho mượn mấy chục triệu có việc.
Em nghe mà uất lên đến tận cổ không nói được câu nào, đứng dậy đi về thẳng, chia tay luôn. Nhưng vừa mới quay lưng em nghe anh ta nói với theo: “Già rồi mà còn chảnh, có suy nghĩ lại thì liên lạc nhé… ", em tôi kể lại trong nước mắt.
Từ chuyện này tôi chợt nhớ đến anh bạn đồng nghiệp cũng bị mệnh danh là nhân vật lợi hại vì toàn đi nhậu chùa, chả bao giờ hùn hạp với nhau để cùng trả, gọi là cả làng cùng vui. Phiếu tính tiền đưa ra là anh ta "nhấn nút biến" ngay lập tức. Mặc dù vẫn nhậu nhiệt tình, ăn uống hăng say như ai. Còn nếu có đi dự tiệc thì anh ta toàn đi tay không, lúc đó gia chủ lo tiếp khách, chẳng ai để ý đến chuyện tay có hay tay không.
Mấy lần đầu thì mọi người đều nghĩ, chắc anh ta không biết mua quà gì hoặc vội quá nên quên nhưng những lần sau anh ta vẫn sử dụng chiêu cũ là đi dự tiệc nhưng không tốn tiền. Ai muốn quà thì cứ mua, muốn tiền thì cứ bỏ phong bì, riêng nhân vật lợi hại không tốn một xu.
Nhân vật lợi hại chắc chắn không phải là đối tượng xa lạ gì trong cuộc sống thường ngày. Họ ở ngay xung quanh chúng ta, ăn cùng mâm, đi đứng sinh hoạt trong cùng một không gian.
Những nhân vật này thường dễ gần, dễ hòa đồng, khá dễ thương, có vẻ như loại người vô thưởng vô phạt, chẳng gây hấn gì với ai.
Có khi là loại người trông vẻ bề ngoài rất sang trọng, học rộng biết nhiều, nói chuyện thao thao bất tuyệt nhưng hễ đụng tới túi tiền là họ nhấn nút biến. Mặc ai nói gần nói xa, nói bóng nói gió, nói thẳng vào mặt, họ vẫn cứ bơ bơ hưởng thụ trên sự thiệt hại của người khác.
Nhân vật lợi hại vẫn tồn tại được là do tâm lý chung của nhiều người, cứ đông là vui, thêm cái chén đôi đũa nên chẳng cần phải tính toán so đo.
Nhưng các nhân vật lợi hại cũng không nham hiểm, không làm hại gì đến ai, chỉ mỗi cái tội thích ăn chơi miễn phí. Tất nhiên cũng có người thẳng tính cấm cửa, thế nhưng nhân vật lợi hại vẫn không chùn chân, vẫn tìm cách lẻn vào cuộc vui hưởng thụ chùa. Qủa đúng là nhân vật lợi hại…
Theo Thu Hiền/Vietnamnet