Ngày 17/9, Ths. BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết, bệnh viện vừa điều trị cho chị N.T.H. (25 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) bị biến chứng sau xăm môi. Chị H. nhập viện trong tình trạng môi sưng, đóng vẩy dày, rỉ dịch đau rát.
|
Hiện nay, rất nhiều ca biến chứng đáng tiếc xảy ra vì phun xăm môi hỏng. Ảnh minh họa. |
Chị H. cho biết trước đó 4 ngày, chị đi xăm môi tại một thẩm mỹ viện. Một ngày sau, môi chị sưng to sau đó rỉ dịch đục, đau rát. Chị H. quay lại cơ sở thẩm mỹ và được nhân viên ở đây đưa 1 tuýp thuốc bôi kháng siêu vi. Tuy nhiên khi chị H. bôi thuốc, tình trạng ngày càng nặng khiến môi sưng to kèm đóng vẩy dày.
Hoảng sợ, chị H. đến bệnh viện nhờ bác sĩ can thiệp. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm da tiếp xúc dị ứng bội nhiễm sau xăm môi. Sau đó, chị H. được điều trị bằng kháng sinh, kháng siêu vi và kháng viêm. Tuy nhiên, quá trình điều trị sẽ mất nhiều thời gian và khó có thể phục hồi như ban đầu.
Tương tự như chị H., trước đó, bệnh viện cũng điều trị cho chị V.T.T. (30 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) bị biến chứng sau khi xăm môi. Vùng môi của chị T. bị ngứa và sạm da nhiều. Bác sĩ Tú cho biết, tình trạng sạm da quanh môi sau xăm là do quá trình tăng sắc tố sau viêm. Việc điều trị phục hồi dễ hơn nhưng ít nhất cũng cần vài tháng, tình trạng môi mới trở lại như ban đầu.
Bác sĩ Tú cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do xăm môi. So với việc xăm các vùng khác trên cơ thể, xăm môi xảy ra nhiều hơn. Trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 3-5 ca biến chứng do xăm môi. Biến chứng ở các vùng khác như xăm mày, mi mắt… khoảng 1-2 ca/tháng.
Biến chứng khi xăm môi
Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, phun xăm là dùng đầu bút xăm đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì. Phun xăm có thể thực hiện bằng bút thủ công hoặc bằng máy. Môi sẽ trở nên đẹp sau khi xăm 3 ngày, bong lớp màu sau 7 ngày để cho màu tự nhiên. Những trường hợp gặp biến chứng như sưng, nề, khuôn dáng không đẹp… thường do người phun xăm không có chuyên môn hoặc không đảm bảo quy trình an toàn.
Hiện nay, rất nhiều ca biến chứng đáng tiếc xảy ra vì phun xăm môi hỏng:
Vấn đề thường gặp nhất là nhiễm trùng tại chỗ xăm, gây sưng, tấy đỏ, chảy máu, nổi mụn, tụ mủ hoặc xăm hỏng, lệch, gây sẹo vĩnh viễn…
Nguy cơ thứ hai cũng khá thường gặp là chất lượng mực xăm không rõ nguồn gốc có thể gây viêm da tiếp xúc, đặc biệt là với những người có cơ địa nhạy cảm.
Quá trình phun xăm, nếu không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn, không thay kim trong quá trình phun xăm, có thể lây truyền các bệnh nguy hiểm như HIV, viêm gan B,C,… nhất là khi thực hiện tại các cơ sở nhỏ, không đủ điều kiện tiệt trùng.
Biến chứng nặng nhất khi phun xăm là sốc thuốc tiêm, phản ứng với thuốc tê… Nguyên nhân thường do quá trình ủ tê mất nhiều thời gian, nhiều cơ sở đã tiêm thuốc tê để tiến hành nhanh hơn.
Bác sĩ khuyến cáo nếu các chị em vẫn muốn xăm môi, nên tìm hiểu kỹ, lựa chọn các cơ sở uy tín, đảm bảo trang thiết bị và quy trình vô trùng.
Thảo Nguyên (TH)