Năm đó khi còn là sinh viên năm thứ 3, tôi đi làm thêm ở một quán phở ở gần nhà và tình cờ quen biết anh. Lúc đó, tôi không biết anh làm nghề gì, chỉ biết anh là khách thường xuyên đến quán của tôi ăn phở. Sau một thời gian, anh bắt chuyện với tôi và chúng tôi trò chuyện với nhau ngày qua ngày.
Sau khi yêu anh vài tháng tôi mới biết anh làm thợ xây. Anh cũng nói với tôi rằng công việc của anh rất bấp bênh và không ổn định. Anh hứa sẽ đi học nghề để có một công việc tốt hơn và lo cho tôi sau này. Tôi không ngại về công việc của anh, tôi nghĩ công việc nào cũng đáng trân trọng, miễn là không vi phạm pháp luật.
|
Ảnh minh họa. |
Sau khi ra trường, tôi xin làm một công việc văn phòng. Anh lúc đó cũng đi học nghề sửa xe và làm việc ở một cửa hàng sửa xe. Khi anh về nhà tôi ra mắt, bố mẹ tôi đã phản đối dữ dội. Bố mẹ tôi chê anh không học đại học, không có công việc ổn định và nói rằng anh không xứng với tôi. Bố tôi là nhà giáo, tính ông rất bảo thủ, ông nói rằng ông không thể chấp nhận một người con rể như thế.
Vượt qua mọi khó khăn, chúng tôi vẫn quyết tâm đến với nhau. Bố tôi cũng là người cuối cùng đồng ý để tôi tổ chức đám cưới tuy nhiên ông vẫn không vui. Bố mẹ tôi chỉ tổ chức một đám cưới cho con gái khá qua loa và buồn tẻ.
Sau khi cưới, tôi sinh liền 2 đứa con đẹp như tranh vẽ. Chồng tôi làm việc tốt, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, anh cũng tự mở một cửa hàng sửa xe tại nhà. Tuy nhiên, không vì thế mà bố tôi có thêm thiện cảm với anh ấy.
Tôi nhớ Tết 4 năm trước, ngày mùng 2, tôi và chồng đưa 2 con về nhà ngoại chúc Tết. Trong bữa cơm trưa, bỗng nhiên nhà tôi có khách, đó là một người bạn đồng nghiệp cũ của bố tôi đến thăm.
Trong khi mời bác ngồi xuống ăn cơm cùng, bố tôi đã nói: “Trong nhà tôi, con cái, dâu rể, trừ thằng Đức ra thì tất cả đều được học hành tử tế, đều có bằng thạc sỹ, đại học. Tôi cũng đang động viên các cháu nếu có thể hãy học cao lên vì càng học lại càng hiểu biết".
Câu nói của bố tôi, khiến chồng tôi đỏ bừng mặt, buông đũa. Tôi để ý sau lúc đó, anh không ăn cũng không nói gì cả và chỉ giục tôi về sớm để đi chúc Tết nhà khác. Tôi biết anh tự ái, khi ra về tôi đã nói rằng: “Bố chắc chỉ buột miệng nói thôi. Anh đừng nghĩ ngợi. Quan trọng là em luôn trân trọng và ủng hộ anh đúng không?”
Tuy nhiên, chồng tôi hơi khái tính và sự việc đó khiến anh suy nghĩ rất nhiều. Kể từ đó, chồng tôi rất hiếm khi đến nhà bố mẹ vợ trừ dịp giỗ chạp. Mấy ngày Tết những năm sau, anh thường cáo ốm, cáo bận, không qua chúc Tết bố mẹ vợ mà chỉ để tôi đưa các con về. Khi tôi nài nỉ thì anh cũng nói thẳng: “Đi chúc Tết để bị bố vợ sỉ là thằng thất học à? Anh thà ở nhà còn hơn".
Khi tôi có nhờ mẹ góp ý với bố thì bố tôi vẫn bảo thủ, ông nói rằng: “Tôi nói câu đấy sai à? Nó phải tự nhận thức về bản thân mình chứ? Giờ bà muốn tôi làm gì? Đến xin lỗi thằng con rể quý hóa của bà à?”
Cứ thế đã 4 năm, cứ vào ngày mùng 2 Tết, chỉ có tôi dẫn 2 con về chúc Tết ông bà ngoại. Người quen, họ hàng đều hỏi thăm khiến tôi chẳng biết nói thế nào. Vì mối bất hòa giữa bố vợ - con rể mà ngày Tết trong nhà tôi bỗng dưng không trọn vẹn.
Tôi không biết phải làm sao để mối quan hệ của bố tôi và chồng được gần gũi hơn. Tết nhất sắp đến rồi, tôi khó nghĩ quá.
Theo Hà Thị Hạnh/Dân Việt