- “Mình ơi đưa tôi về đi. Tôi nằm đây tốn tiền lắm! Đằng nào tôi cũng chết. Nhà mình lấy đâu ra tiền cho tôi mổ mà để tôi ở lại bệnh viện làm gì. Rồi nợ nần khổ mình và các con ở lại, tôi khổ tâm lắm” - anh Liên cứ “đề nghị” vợ cho mình được về nhà chờ chết.
>>> Con chết đi để mẹ đẻ em bé khác
Anh Nguyễn Hữu Liên (đội 7, thôn Ngọc Kiệm, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội), ngã giàn giáo từ độ cao 8m nên bị gãy cột sống, dập phổi, liệt tuỷ... Vết thương ngày càng viêm loét sâu gây thêm nhiễm trùng đường tiết niệu. Biết cái chết đang đến mỗi lúc mỗi gần, anh Liên chỉ còn mong muốn duy nhất là bệnh tình của anh không làm vợ con thêm khổ.
|
Chị Lương đang bón cháo cho chồng |
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Lương cũng đang trong cảnh bĩ cùng của bệnh tật. Bị vôi hoá cột sống, xẹp đĩa đệm, không có tiền mổ nên đôi chân chị Lương mỗi ngày một teo. Giờ đây, đôi chân ấy teo thó, tập tễnh lết từng bước ra khỏi hành lang bệnh viện đi mua cháo cho chồng. Nhiều người nhìn theo mà ứa nước mắt.
Ở nhà, đứa con trai của anh chị sinh năm 1991 Nguyễn Hữu Quyết bị bại não nằm một chỗ chẳng có bố mẹ trông nom. Năm nay đã 22 tuổi, nhưng cơ thể Quyết như đứa bé 5 - 6 tuổi, chỉ có khuôn mặt là già câng. Có ai đến hỏi chuyện, Quyết chỉ ê a vài ba câu rồi lại cười trếu tráo.
Người vợ đã lê đôi chân teo liệt đi khắp các cửa, đã gõ các vách những ngôi nhà trong xóm để hỏi mượn vay. Nhưng những ngôi nhà vách xiêu, tồi tàn y như nhà chị cũng chẳng lấy đâu ra khoản tiền lớn mà cho chị mượn.
Anh Liên mỗi ngày được ăn một bữa cháo vợ mua ngoài cổng viện. Các bữa còn lại trong ngày của anh thì trông chờ vào những suất cháo từ thiện trong bệnh viện. Đứa con bại não ở nhà bị cơn đói hoành hành, cũng chả biết kêu, lúc đầu còn hét lên ớ ơ..., ớ ơ..., rồi mệt quá, không kêu được nữa thì rên ư ử...
Thương vợ, thương con, biết không thể xoay xở được tiền mổ, sợ sau khi mình ra đi, vợ con lại phải oằn mình trả nợ nên anh Liên nằng nặc đòi ra viện để về nhà chờ chết.
|
Chị Lương đã cạn nước mắt khi nhìn chồng... |
“Về nhà anh tỉnh táo lạ thường. Bà con hàng xóm đến thăm, hỏi bệnh đã khỏi đâu mà về. Anh nói, em không sao đâu! Rồi anh tỏ vẻ mình đã lành bệnh, cố nhấc cái đầu lên cho bà con thấy nhưng có được đâu. Mặt mũi hốc hác, xanh lẹt, hơi thở đứt quãng, mọi người trong xóm ai cũng nghẹn lòng hiểu rằng vết thương trên người đang mang anh về gần với đất” - chị Lương nghẹn ngào nói tiếp:
“Thấy cảnh chong chong nằm chờ chết, sống không được, chết cũng không xong của anh Liên, bà con gom góp, người có nhiều cho nhiều người có ít cho ít rồi “nịnh” mãi anh Liên mới chịu lên lại bệnh viện”.
Chị Lương cầm những đồng tiền mà anh em, bà con gom góp lẩm nhẩm tính toán những bữa ăn cho chồng. Cuối cùng chị quyết định, một ngày chỉ ăn một bữa thôi để dành tiền mua cháo và tiền mua thuốc cầm chừng cho chồng.
Bữa ăn ấy là một gói mì tôm sống nhai trệu trạo cho qua ngày. Biết vợ nhịn ăn nên mỗi bữa cháo, anh Liên lại giả vờ không ăn hết để vợ được ăn nốt chỗ cháo thừa của mình.
Bác sĩ Hoàng Anh, người tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Hữu Liên cho biết: “Bệnh nhân là lao động tự do, không có bảo hiểm y tế. Hiện vết thương đã viêm loét, nhiễm trùng rất nặng, nếu không được mổ ngay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
Bệnh viện đã có kế hoạch phẫu thuật nhưng hiện vẫn chưa có bàn mổ. Kinh phí mỗi ca như thế này sẽ là 30 triệu đồng. Hậu phẫu, bệnh nhân cần từ 5 đến 10 ngày mới ổn định. Anh Liên sẽ có thể được cứu sống nếu mổ sớm”.
Mọi tấm lòng hảo tâm xin gửi về địa chỉ:
Bệnh nhân Nguyễn Hữu Liên, Phòng số 6, khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức, số 40, Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hoặc số điện thoại: 0167.589.8157 (gặp chị Lương)
|
Liên Ngọc