Chồng bỏ nhà cửa khang trang, ra giữa cánh đồng chăm cây cảnh

Google News

Chung một đam mê cây cảnh, vợ chồng anh Nguyễn Phú Cường bỏ nhà cửa khang trang ra giữa cánh đồng hoang vu cùng nhau lập nghiệp. Anh còn nổi tiếng trong giới cây cảnh Hà thành khi là người tiên phong chơi cây cảnh bonsai Nhật Bản.

Anh Nguyễn Phú Cường 40 tuổi (Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội) nổi tiếng trong giới cây cảnh Hà thành bởi là người tiên phong trong thú chơi cây cảnh bonsai Nhật Bản. Anh sở hữu hàng trăm cây phong lá đỏ, đỗ quyên Nhật Bản, tùng Nhật Bản được trồng, tạo dáng đẹp trong chậu nhỏ.

Khởi nghiệp kinh doanh cây cảnh từ năm 2017, vốn ban đầu đi vay chỉ vỏn vẹn vài chục triệu đồng, bước đầu, anh Cường thuê một mảnh ruộng hơn 400m2. Vợ chồng anh dựng lán, ăn ở tại chỗ, hàng ngày ươm trồng và chăm sóc các cây giống.

Anh Cường kể, ban đầu anh chị cũng có ý định kinh doanh những cây cảnh giá trị hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng, giống như một số đại gia cây cảnh đang sở hữu. Tuy nhiên, do vốn mỏng nên anh quyết định tìm đến phong cách bonsai Nhật Bản, số tiền bỏ ra ban đầu chỉ vài chục triệu đồng.

Chong bo nha cua khang trang, ra giua canh dong cham cay canh

Vợ chồng anh Cường cải tạo mảnh ruộng thuê cách đây 5 năm thành khu vườn với nhiều cây cảnh (Ảnh: Ngọc Cương)

“Không chỉ lợi thế vốn ít, mà phong cách bonsai Nhật Bản ở Việt Nam thời điểm đó chưa có nhiều người chơi. Thị trường chưa nhìn thấy được giá trị cao của loại cây cảnh này”, anh Cường kể.

Nhưng điều quan trọng quyết định thành công là anh Cường được vợ - chị Đặng Thị Nhung - ủng hộ hết mình khi đồng ý theo chồng ra ở ngoài cánh đồng để cùng nhau lập nghiệp. "Thấy chồng vất vả một mình giữa cánh đồng chăm sóc cây, vợ liền ra làm giúp. Sau một thời gian, chính cô ấy cũng đam mê với loại cây cảnh này, quyết định bỏ nhà khang trang, đưa các con ra ngoài đồng ở cùng" anh Cường kể.

Ban đầu, không nắm được kỹ thuật tạo dáng bonsai, anh và vợ quyết định bái họa sĩ Đặng Xuân Cường (hay còn gọi là Cường họa sĩ), người chơi cây cảnh nổi tiếng đất Bắc, làm thầy.

Có kiến thức và tay nghề, vợ chồng anh Cường nhanh chóng cải tạo mảnh ruộng thành một khu vườn ươm trồng nhiều giống cây cảnh và tạo dáng hàng trăm cây bonsai.

Trong quá trình làm vườn và chăm sóc cây, anh Cường rất chịu khó giao lưu trong giới cây cảnh để tìm hiểu thị trường, sau đó tìm những cây bonsai đẹp bên Nhật Bản như tùng, đỗ quyên, hoa anh đào,... đặc biệt phong lá đỏ, về chào bán khắp các miền Nam - Bắc.

Nổi danh nhờ cây phong lá đỏ

Trong giới cây cảnh Hà Nội, anh Cường là người đầu tiên chọn phong cách chơi mới và càng nổi tiếng hơn khi nhập khẩu hơn chục cây phong lá đỏ giống từ Nhật Bản. Anh rất chịu khó mày mò, tìm hiểu cách chăm sóc để phong có thể sinh trưởng và tồn tại trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam.

“Người Việt rất mê màu đỏ và vẻ đẹp của lá phong qua những bức ảnh nhuộm đỏ cả cánh rừng ở Nhật Bản và các nước ôn đới. Vì thế, cây phong có thể là cây thu hút lượng lớn người chơi”, anh Cường khi đó nhận định.

Chong bo nha cua khang trang, ra giua canh dong cham cay canh-Hinh-2

Anh Cường nổi danh giới cây cảnh khi tiên phong nhập khẩu cây phong lá đỏ. (Ảnh: Ngọc Cương)

Chong bo nha cua khang trang, ra giua canh dong cham cay canh-Hinh-3

Hoa anh đào được anh Cường nhập từ Nhật Bản. (Ảnh: Ngọc Cương)

Do đó, anh quyết định nhập khẩu hàng trăm cây phong nhỏ, giá trị hàng trăm triệu đồng. Khi mang về trồng trong chậu, người chơi ồ ạt đến mua, có đơn hàng đặt mua vài chục cây một lúc. Vì thế, số lượng nhập về bán trong 10 ngày đã hết.

Tuy nhiên, sau đó anh Cường gặp khó khăn khi người chơi phàn nàn, bởi cây phong mua về chỉ sống vài ngày đã héo, thậm chí bị chết. “Trong quá trình bán cây Phong, mình có kèm theo hướng dẫn chăm sóc để cây có thể sống tốt. Thế nhưng, người chơi phần lớn sai quy cách chăm sóc, khiến cây nhanh chóng khô héo và chết”, anh Cường giải thích.

Thời điểm đó, anh chủ động liên hệ với người chơi, hướng dẫn cách chăm sóc qua Zalo. Họ làm theo cách của anh nên cây phong đã sống lại.

"Chỉ cần chụp ảnh gửi Zalo, nhìn qua là tôi đoán được cây bị bệnh gì và có ngay cách giải quyết. Thường là cây đang bị thiếu nước, hay để ở nhiệt độ cao", anh Cường nói.

Hiện trong vườn cây của anh có hơn chục cây phong bonsai được tạo dáng đẹp, sức khỏe ổn định trong nhiều năm. Theo anh Cường, mỗi cây phong này có giá từ 20-30 triệu đồng.

Ngoài ra, anh Cường còn sở hữu hàng trăm tác phẩm bonsai, như tùng Nhật Bản, đỗ quyên Nhật Bản, hoa anh đào,... tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

 
Theo Ngọc Cương/Vietnamnet