Chồng cất tiền vào két, không cho vợ quản lý

Google News

Đã lâu lắm em không đi gặp gỡ bạn bè, tối giản nhiều loại chi phí, vậy mà em lại bị chồng nghĩ là tiêu hoang.

Chị Thanh Tâm thân mến!

Chị ơi, chị có nhận được nhiều thư tâm sự về việc quản lý tiền lương trong gia đình không ạ? Em đang bức xúc về việc đó với chồng nên viết thư để chia sẻ với chị. Theo chị, trong trường hợp của em thì nên xử lý như thế nào ạ?

Vợ chồng em lấy nhau đã được 3 năm, có 1 con trai gần 2 tuổi. Việc quản lý chi tiêu nhiều lần xảy ra mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được. Điều này khiến em không thoải mái, luôn cảm thấy ấm ức trong lòng. Trước khi lấy chồng, em ở cùng bố mẹ. Em thấy cuối tháng bố đều mang lương về gửi mẹ và toàn bộ chi tiêu trong nhà đều do mẹ quán xuyến. Bố tin tưởng vào cách chi tiêu của mẹ, khiến mẹ được tự do, thoải mái. Bởi vậy, từ nhỏ, em cũng mong muốn sẽ là "tay hòm chìa khóa" như vậy.

Chong cat tien vao ket, khong cho vo quan ly

Ảnh minh hoạ.

Em quen chồng em bên Thượng Hải (Trung Quốc). Cả hai yêu nhau từ khi còn là sinh viên. Sau khi em tốt nghiệp đại học, còn anh ấy học xong thạc sỹ thì chúng em chính thức về chung một nhà. Hồi ở bên Thượng Hải, chồng em rất thoáng, tiền đi làm kiếm được bao nhiêu cũng đưa cho em, hai đứa thoải mái ăn uống, du lịch. Em rất yên tâm rằng mình đã tìm được đúng người chồng mong muốn. Nhưng từ khi về nước làm việc, tính tình của chồng em ngày càng thay đổi.

Em làm phiên dịch cho 1 công ty Trung Quốc tại Việt Nam, còn chồng em về làm cho 1 cơ quan nhà nước. Điều đầu tiên khiến cả 2 ngỡ ngàng, đó là lương ở Việt Nam thấp hơn so với hồi bên Thượng Hải. Không những vậy, cơ hội tìm việc làm thêm cũng không dễ dàng như bên đó. Hàng tháng, 2 vợ chồng góp hết thu nhập vẫn không đủ 1 phần lương như khi đi làm bên Trung Quốc. Chúng em rất tiếc nuối, nhưng sức khỏe của bố mẹ cũng đã yếu, hai vợ chồng ngậm ngùi chấp nhận về nước.

Chồng em lo lắng, cứ vài ba ngày lại hỏi: "Còn tiền không em, anh định làm việc này". Nếu em trả lời là "hết mất rồi", chồng em sẽ tự nhẩm tính và thốt lên: "Em tiêu cái quái gì mà đã hết, phải còn ít nhất 4 triệu chứ! Từ tháng sau, em gửi tiền lương anh quản lý cho". Em nghe vậy rất bực mình. Từ lúc lấy nhau, chưa khi nào em thấy chồng lại "bủn xỉn" đến như vậy. Ngày trước, dù em ăn tiêu kiểu gì, anh ấy cũng không quan tâm, hàng tháng là gửi tiền đều đặn vào tài khoản. Bây giờ thì...

Sau đó, chồng em có anh bạn thân rủ khởi nghiệp. Để có thêm thu nhập, chồng em vừa làm việc ở cơ quan, vừa tranh thủ kinh doanh. Việc bán hàng ban đầu khó khăn nhưng về sau cũng có chút khởi sắc. Em thấy chồng nói là bắt đầu có lãi nhưng không thấy đem về đồng nào gửi vợ. Hôm trước, em thấy chồng em đếm tiền, sau đó tự mở két sắt cất đi, không nói cho em biết. Chị Thanh Tâm biết không, miệng chồng em luôn nói là để em quản lý tiền nhưng hiện tại lại cư xử không tôn trọng em như vậy.

Đôi khi, em cảm thấy rất "nhục". Đã lâu lắm em không đi gặp gỡ bạn bè, tối giản nhiều loại chi phí, vậy mà em lại bị chồng nghĩ là tiêu hoang. Liệu có phải chồng em thấy em lương ít hơn nên đâm ra coi thường em không? Nếu tôn trọng em thì anh ấy phải nói cho em biết số tiền thu về để em quản lý, không nên lén lút tự cất giữ tiền như vậy.

Em đã nói chuyện với chồng, nếu không muốn đưa tiền cho em nữa thì tiền ai người ấy dùng. Nhưng chồng lại mắng em, nói rằng em quá đáng, anh ấy làm việc đã rất mệt mỏi mà em còn gây chuyện. Em rất buồn phiền, chị Thanh Tâm ạ. Về nước hơn 1 năm nhưng chúng em thường xuyên tranh cãi về tài chính, không giống như hồi ở Thượng Hải. Chị có thể chỉ em cách nói chuyện với chồng để thống nhất việc quản lý tài chính trong nhà không?

Thúy Vân (Hà Nội)

Thúy Vân thân mến!

Quản lý tài chính trong gia đình là một việc tế nhị và cần sự thống nhất giữa 2 vợ chồng. Có nhiều cách quản lý chi tiêu. Có gia đình chia các khoản: Tiền điện, nước, tiền học phí, tiền ăn, tiền sinh hoạt... để chia ra phụ trách, có gia đình thì chồng quản lý hết, hoặc vợ quản lý hết. Dù theo cách nào, cả hai đều phải cảm thấy thoải mái.

Thúy Vân ơi, không phải tự nhiên chồng em thay đổi như vậy đâu. Theo em chia sẻ, thu nhập của 2 vợ chồng đã sụt giảm rất nhiều sau khi về nước. Điều này dẫn đến tâm lý của chồng em là "sợ không chăm sóc tốt được gia đình" như trước, bởi vậy anh ấy mới hay dò hỏi. Thu nhập không còn như trước, sử dụng chúng cũng nên thay đổi. Chị nghĩ chồng em đang tính toán và tìm cách để cuộc sống tốt hơn mà thôi. Em có thể hiểu và chia sẻ thêm cùng chồng, nhẹ nhàng nói chuyện, hạn chế cáu gắt để giữ hòa khí trong gia đình. Từ đó, anh ấy cũng dễ dàng kể những suy nghĩ và kế hoạch của bản thân hơn.

Chị chúc 2 vợ chồng sớm giải quyết được mâu thuẫn này.  

Theo Thanh Tâm/Phụ nữ Việt Nam